Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng (thứ 2 từ phải sang) và Đoàn công tác Bộ Công Thương thăm phòng thí nghiệm của Công ty TNHH phân bón Hợp Trí |
Từ thiết lập lại thị trường phân bón...
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - cho rằng, để kiểm soát chặt vấn nạn phân bón giả, Bộ Công Thương sẽ quyết liệt chỉ đạo các địa phương kiểm tra rà soát các doanh nghiệp (DN), sàng lọc DN không đủ điều kiện sản xuất phân bón. DN nào không có giấy phép sản xuất phân bón vô cơ trước ngày 1/2/2016, đề xuất biện pháp xử lý dừng để lập hồ sơ cấp phép mới được sản xuất. Nếu DN nào cố tình bán sản phẩm khi chưa được cấp phép sẽ bị coi là hàng giả hoặc hàng hóa sản xuất không phép, kiên quyết xóa sổ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Thanh cho biết, hiện Cục Hóa chất đã cấp giấy phép cho 260 DN sản xuất phân bón vô cơ, 25 DN được cấp phép gia công phân bón vô cơ. “Quan điểm của Cục Hóa chất là tăng cường quản lý xuất xứ, bao bì, nhãn mác… triệt để. Các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, phân bón phải tuân thủ và thực thi các quy định về phân bón hóa chất nhằm ổn định thị trường”- ông Thanh nhấn mạnh.
Bản thân các DN đều có chung kiến nghị, nên sửa Nghị định 202, cần quy định bắt buộc các cơ sở sản xuất phân bón tự đầu tư phòng thí nghiệm, kiểm soát chất lượng nguyên liệu và sản phẩm trong quá trình sản xuất. Nếu không thực hiện thì cương quyết thu giấy phép, có như vậy mới hạn chế được những cơ sở nhỏ lẻ sản xuất “chụp giật”, sản xuất phân bón không phù hợp gây ô nhiễm, rối loạn thị trường phân bón. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hiệp hội phân bón tổ chức hội thảo rộng rãi để góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 202.
Bên cạnh đó, cần tập trung thanh tra, kiểm soát tốt mặt hàng phân bón khi đưa ra thị trường và lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phải đóng vai trò quan trọng trong công tác dẹp loạn phân bón giả. Đồng thời, phối hợp kiểm tra với giáo dục, tuyên truyền, thông tin kịp thời về tác hại của phân bón giả, kém chất lượng để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó không tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, hiện nay, một số DN vừa sản xuất phân bón hữu cơ vừa sản xuất phân bón vô cơ, nên thời gian tới việc ban hành các quy định, quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về phân bón giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT là rất cần thiết. Điều này, không những nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước mà còn giúp cho các DN sản xuất, kinh doanh phân bón cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.
… Đến siết chặt quản lý kinh doanh hóa chất
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn có 248 DN nhập khẩu và 638 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất. Về hóa chất công nghiệp, hiện có trên 400 cơ sở đang hoạt động, tập trung tại các quận 5, 10, 11, Tân Bình, Gò Vấp và Bình Tân.
Chợ Kim Biên, quận 5, TP. Hồ Chí Minh nổi tiếng khắp miền Nam nhờ nơi đây là “vựa sỉ” của hàng trăm, hàng ngàn loại hóa chất. Những người kinh doanh hóa chất cho biết, thế giới hiện có loại hóa chất gì thì chợ Kim Biên đều có kinh doanh sỉ và lẻ. Từ các loại hóa chất dùng trong công nghiệp, thực phẩm, hóa chất độc hại bị cấm… đến chợ Kim Biên đều mua rất dễ dàng. Hiện chợ có 16 hộ kinh doanh hóa chất như hương liệu, phụ gia thực phẩm, bột tạo màu. Xung quanh chợ Kim Biên còn có 93 cơ sở kinh doanh hóa chất, tập trung trên các con đường Gò Công, Kim Biên, Vạn Tường, Phan Văn Khỏe, Hải Thượng Lãn Ông và Phùng Hưng. Trong số này, có 59 cơ sở mua bán hóa chất công nghiệp; 20 cơ sở buôn bán hương liệu, phụ gia thực phẩm; 14 cơ sở bán hóa chất công nghiệp và phụ gia thực phẩm. Ở đây khách hàng muốn mua hóa chất loại gì cũng có, từ viên nén điều chế các loại rượu ngoại nhập, hương liệu bún bò Huế, lẩu Thái đến cả chất vàng ô, hàn the, chất tạo nạc salbutamol, kể cả a -xít độc hại…
Lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh bắt giữ hóa chất kinh doanh trái phép |
Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh Phan Hoàn Kiếm cho biết, năm 2014, cơ quan chức năng phát hiện 306 cơ sở kinh doanh hóa chất vi phạm; năm 2015, kiểm tra 67 vụ, phát hiện hơn 2.500 tấn hóa chất các loại, đã xử lý 51 vụ vi phạm, thu hơn 1 tỷ đồng, buộc tiêu hủy 22.184 kg. Từ đầu năm đến nay, phát hiện trên 20 vụ vi phạm và thu nhiều loại hóa chất không rõ nguồn gốc, nhiều lô là hóa chất độc hại.
Đơn cử, ngày 27/5/2016, Đội QLTT 5B (Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh) kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh hóa chất, gồm: Chi nhánh Công ty TNHH hóa chất Song Toàn, Công ty TNHH MTV TM-DV Ngọc Diễm và Công ty TNHH TM-DV-XNK hóa chất Lợi Tín thuộc khu vực chợ Kim Biên, đã phát hiện 759 lít và 398 kg hóa chất công nghiệp kinh doanh trái phép. Đại diện Đội QLTT 5B cho biết, số hóa chất đã bị tạm giữ của 3 cơ sở nêu trên không có hóa đơn chứng từ, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ của hóa chất.
Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, tại thời điểm này, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý hóa chất là việc nâng cao nhận thức về nguy cơ tiềm ẩn cho các DN hoạt động hóa chất ở quy mô nhỏ, để từ đó, DN và người lao động tự giác chấp hành các quy định pháp luật. Nhiều DN vừa và nhỏ không tự trang bị kiến thức cơ bản về an toàn hóa chất, chậm cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến ý thức chấp hành các quy định chưa cao, không triệt để.
Hơn nữa, mặc dù có đến 3 sở cùng quản lý hóa chất: Sở Công Thương quản lý ngành hóa chất công nghiệp; Sở NN&PTNN quản lý hóa chất ngành thủy sản, bảo vệ thực vật, thú y; Sở Y tế quản lý hóa chất ngành y tế và thực phẩm, nhưng sự phối hợp giữa ba cơ quan lại thiếu chặt chẽ, dẫn đến phát sinh nhiều tiêu cực.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Ngô Hồng Y - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn, môi trường (Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh) - cho biết, các danh mục hóa chất kinh doanh trên thị trường hiện nay chưa được cập nhật phù hợp với thực tế; một số hóa chất thiếu thông tin về nồng độ, hàm lượng và trạng thái tồn tại; nhiều trường hợp hóa chất trùng ở nhiều danh mục, dẫn đến khó khăn cho việc hướng dẫn, giải quyết các thủ tục liên quan.
Ông Ngô Hồng Y cho biết thêm, để lập lại thị trường hóa chất, trước mắt chính quyền thành phố tổ chức siết chặt hoạt động sản xuất, phân phối, buôn bán và yêu cầu người mua hóa chất độc, nguy hiểm phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân nhằm giảm bớt tình trạng sử dụng hóa chất vô tội vạ. Trong tương lai, chủ trương của thành phố là di dời chợ Kim Biên và xây dựng một trung tâm để kinh doanh hóa chất tập trung.
Để tập trung các cơ sở sản xuất hóa chất vào một khu vực riêng không phải là chuyện dễ dàng. Về vấn đề này, ông Thanh gợi ý nên tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới, như Trung Quốc, riêng thành phố Thượng Hải đã làm thí điểm một khu phố dành cho kinh doanh hóa chất và đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với các hộ kinh doanh, người và phương tiện ra, vào trong khu phố đó. Đây là mô hình mà Việt Nam nên hướng tới để kiểm soát chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất theo hình thức thí điểm này.
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh: Bộ Công Thương cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực hóa chất; cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia để công tác quản lý nhà nước về hóa chất được thuận lợi và hiệu quả. Nếu quản lý hóa chất theo giải pháp này sẽ góp phần loại trừ phần lớn việc mua hóa chất công nghiệp phục vụ không đúng mục đích. |
TIN LIÊN QUAN | |
Kỳ II: Phân bón giả, nỗi đau thật | |
Kỳ I: Diễn biến phức tạp |