Thứ bảy 10/05/2025 00:25

Kon Tum: Kiểm điểm 1 phó chủ tịch huyện vì xác nhận không đúng về diện tích sâm Ngọc Linh

Một đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum có xác nhận “mập mờ” trong diện tích trồng, khai thác sâm Ngọc Linh bị phát hiện và xử lý.

Ngày 5/1, UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) xác nhận đã tiến hành kiểm điểm một Phó chủ tịch UBND huyện này vì ký giấy xác nhận chưa chính xác cho Công ty Cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum và hủy bỏ xác nhận đối với Công ty Cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum “đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông”.

Cụ thể, vào ngày 30/5/2022, Công ty CP rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum có văn bản xin xác nhận đơn vị này đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông.

Ngay khi phát hiện vụ việc, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông-Võ Trung Mạnh đã họp và đề nghị cá nhân ký xác nhận giấy trên báo cáo giải trình và kiểm điểm trách nhiệm liên quan vì có nội dung chưa phù hợp với thực tế.

Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo các đơn vị chức năng phải ra văn bản hủy bỏ giấy xác nhận trên vì quy trình xử lý chưa đảm bảo và có nội dung chưa phù hợp với thực tế.

“Đơn vị này đang trồng nuôi cấy mô thí điểm, UBND tỉnh vừa cho chủ trương đưa nuôi cấy mô ra ngoài tự nhiên, cách đây hơn 1 tháng. Việc xác nhận khai thác là chưa chính xác, huyện đã thu hồi văn bản này”- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết.

Nhà lưới nuôi cấy mô của Công ty Cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum

Trao đổi về vấn đề này, Ông Nguyễn Duy Thái-Phó Giám đốc Công ty Cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum-khẳng định: Trên địa bàn Tu Mơ Rông, công ty đã liên kết với 10 hộ trồng sâm, mỗi hộ từ 5 đến 10ha ở xã Ngọk Lây, 3 hộ với diện tích hơn 10ha ở xã Măng Ri, đang làm việc với 2 hộ dân ở xã Tê Xăng.

“Công ty Cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum là một thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam (tập đoàn). Vừa qua, tập đoàn này công bố mở hàng loạt showroom trên cả nước chuyên bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh. Sản phẩm của tập đoàn lấy nguồn từ Công ty Cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Theo đề án, công ty vừa nuôi cấy mô, vừa trồng sâm gieo bằng hạt, mua sâm của dân về trồng. Trong rừng, công ty có diện tích hơn 24,4ha (mới bàn giao).”-ông Thái nói thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam công bố đang "sở hữu" hơn 7.000ha vùng trồng sâm tại đỉnh núi Ngọc Linh (nơi cây sâm Ngọc Linh đầu tiên được tìm thấy) và đã "trồng" hơn 600ha; sau gần 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, xây dựng được vùng trồng quy mô lớn nhất Việt Nam.

Nhưng trên thực tế, đơn vị này mới chỉ vừa kiến nghị lên UBND tỉnh Kon Tum vào khoảng tháng 10/2022 về việc cho Công ty Cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh phối hợp với Công ty TNHH-MTV lâm nghiệp Đăk Tô trồng thí điểm trên 24ha sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô (từ tháng 10/2022, đến nay mới dọn mặt bằng chưa tiến hành trồng sâm).

Còn tại tỉnh Quảng Nam, trong 12 công ty và doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh thì đơn vị này không có trong danh sách được cấp phép trồng sâm Ngọc Linh.

Như vậy, 7.000ha vùng trồng sâm tại đỉnh núi Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam như công bố ở đâu ra, có phải "trên giấy"?!

Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ việc liên quan đến việc các công ty, doanh nghiệp lợi dụng thương hiệu “Sâm Ngọc Linh” nhằm vẽ ra các dự án ảo hay “nổ” có diện tích vườn sâm Ngọc Linh lớn diễn ra trong thời gian qua tại các địa phương. Tuy nhiên, vấn đề này dường như đến nay vẫn còn đang bỏ ngõ, khi mà chính quyền các địa phương vẫn chưa có động thái mạnh mẽ, xử lý quyết liệt dứt điểm vấn đề này.

Phúc Lâm
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Kon Tum

Tin cùng chuyên mục