Kinh tế Nga với những con số khởi sắc
Nhiều lĩnh vực tăng trưởng
“Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 3,9%, sau khi tăng 4% trong tháng 3. Tính chung 4 tháng, sản xuất công nghiệp tăng 5,2% so với cùng kỳ, tương đương với mức tăng kỷ lục 5,7% và 5,4% của quý 2 và quý III/2023”, Bộ Phát triển Kinh tế Nga cho biết.
Giới chức Nga cho hay, trong sản xuất công nghiệp, lĩnh vực khai thác tăng 0,4% trong tháng 3 và 1,1% trong quý I; lĩnh vực chế biến - chế tạo tăng cao 8,3% trong tháng 4 (sau khi tăng 6% trong tháng 3) và 8,7% trong 4 tháng. Tổng sản lượng xây dựng tháng 4 tăng 4,5% sau khi tăng 1,9% trong tháng 3. Tính chung 4 tháng tăng 3,8%.
Giữa vô số lệnh trừng phạt, Nga vẫn trở thành quốc gia có thu nhập cao. Ảnh: Pixabay |
Cũng theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga, tổng mức đầu tư trong quý I tăng 14,5% so với cùng kỳ (quý IV/2023 tăng 8,6%). Trong khi đó, tổng mức bán buôn tháng 4 tăng 12,1%, 4 tháng tăng 11,8%. Tổng mức bán lẻ tháng 4 tăng 8,3%, 4 tháng tăng 9,9%.
Tuy nhiên, lạm phát tháng 4 tăng 7,84%, tháng 3 tăng 7,72%. Tỷ lệ thất nghiệp của quý I là 2,8%, 4 tháng là 2,7%. Theo dự báo phát triển kinh tế - xã hội của Nga đến năm 2027, GDP năm 2024 tăng 2,8%; năm 2025-2026: 2,3%, năm 2027 tăng 2,4%. Tỷ lệ lạm phát theo phương án này như sau: 2024 - 5,1%, các năm 2025-2027 - 4%.
“Dự báo phát triển kinh tế thế giới tháng 4 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay, GDP Nga sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2024 và 1,8% năm 2025”, Bộ Phát triển Kinh tế Nga thông tin.
Đánh giá về tình hình ngoại thương, theo thông tin của Cơ quan Hải quan Nga, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Nga 4 tháng đầu năm 2024 đạt 219,7 tỷ USD, giảm 3,8% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 135,1 tỷ USD, giảm 0,3%; nhập khẩu đạt 84,6 tỷ USD, giảm 9,1%. Thặng dư thương mại đạt 50,5 tỷ USD.
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, khoáng sản chiếm 62,7%, kim loại và sản phẩm kim loại 13,1%, lương thực thực phẩm 10,5%, sản phẩm công nghiệp hóa chất 6,4%, thiết bị máy móc phụ tùng 4,4%, gỗ và sản phẩm gỗ, giấy 2,3%
“Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩp: Thiết bị máy móc 50,6%, sản phẩm công nghiệp hóa chất 18,9%, lương thực thực phẩm 13,6%, sản phẩm dệt may, giày da 7,1%, kim loại và sản phẩm kim loại 6,5%, khoáng sản 1,6%”, Bộ Phát triển Kinh tế Nga cho hay.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Nga trong 5 tháng đầu năm đạt 96,509 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó xuất khẩu từ Nga đạt 54,72 tỷ USD, tăng 6,9%; của Trung Quốc đạt 41,79 tỷ USD, giảm 1,8%. Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Nga dầu thô, khí đốt và than đá. Nga nhập khẩu từ Trung Quốc ô tô, điện thoại, thiết bị máy móc phụ tùng, giày da, đồ chơi, máy tính…
Kinh tế tăng trưởng bất chấp lệnh trừng phạt
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa nâng hạng Nga từ nước thu nhập trung bình cao lên nước thu nhập cao nhờ tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Theo báo cáo xếp hạng thu nhập quốc dân 2024-2025 do WB cập nhật vào đầu tháng 7 hàng năm, thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người ở Nga là 14.250 USD. Để được coi là nước thu nhập cao, một quốc gia phải có GNI bình quân trên 14.005 USD, điều chỉnh tăng từ 13.845 USD của năm tài chính trước.
Số liệu của Cơ quan Thống kê Nga cho thấy, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2023 là 3,6%. Ảnh: Pixabay |
“Kinh tế Nga chịu ảnh hưởng bởi sự gia tăng lớn các hoạt động liên quan đến quân sự vào năm 2023, trong khi tăng trưởng cũng được thúc đẩy bởi phục hồi trong các lĩnh vực thương mại (+6,8%), tài chính (+8,7%) và xây dựng (+6,6%)”, WB cho biết.
“Những yếu tố này đã dẫn đến sự gia tăng cả GDP thực tế (3,6%), GDP danh nghĩa (10,9%) và GNI bình quân đầu người (11,2%) của Nga. Bước đi của WB là sự công nhận chính sách kinh tế của Nga trong thập kỷ qua, bất chấp những hạn chế tài chính và thương mại”, CEO ngân hàng Roman Marshavin bày tỏ.
Tăng trưởng kinh tế Nga vẫn diễn ra ngay cả sau khi Mỹ và các đồng minh áp đặt hàng nghìn lệnh trừng phạt đối với nước này.
Theo nghiên cứu về kinh tế Nga, Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Vienna (Wiiw) vừa điều chỉnh triển vọng tăng trưởng của Nga - vốn đang hướng tới nền kinh tế chiến sự. Wiiw cho biết, quốc gia này dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 3,2% tương tự như năm 2023. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động trầm trọng và lãi suất cao sẽ hạn chế tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nga xuống khoảng 2,5% trong những năm tới.
Một chuyên gia về Nga tại Wiiw nhận định, mức lương cao cho binh lính tiền tuyến và các khoản trả cho các cựu chiến binh và gia đình họ cũng là một yếu tố dẫn đến sự phân bổ lại thu nhập từ trên xuống dưới, điều này giúp tăng nguồn thu của người dân.
Trong khi đó, cú sốc kinh tế do tầng tầng lớp lớp lệnh trừng phạt từ phương Tây đã giúp Nga định hình lại các ngành công nghiệp. Một nghiên cứu mới của Trung tâm Phân tích kinh tế vĩ mô và dự báo ngắn hạn (TsMAKP) cho thấy, những tổn thất chính thuộc về các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu. Và người chiến thắng là những công ty đảm bảo cho nhu cầu trong nước.
Giới chuyên gia nhận định, động lực hiện nay cho thấy sự phân chia này của các doanh nghiệp Nga sẽ còn tiếp tục. Sự hỗ trợ của chính phủ và nhu cầu trong nước sẽ vẫn là điều kiện then chốt cho tăng trưởng sản xuất.