Thứ tư 01/01/2025 16:32

Kinh tế cửa khẩu: Lối “mở” quan trọng cho Hà Giang

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa tới thăm Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang. Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh: Cùng với nông nghiệp hữu cơ, dược liệu và du lịch thì kinh tế cửa khẩu đang là hướng phát triển kinh tế quan trọng của Hà Giang.
Hà Giang là tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biên mậu

Với hơn 277km chiều dài đường biên, 1 Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy; 3 cửa khẩu phụ sắp tới sẽ là cửa khẩu quốc gia gồm Xín Mần, Phó Bảng, Săm Pun và 17 đường mòn, lối mở qua lại trên biên giới, Hà Giang được đánh giá là tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biên mậu (KTBM). Trên thực tế, thời gian qua, Hà Giang đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động giao thương kinh tế qua các cửa khẩu. Nổi bật phải kể đến Nghị quyết 206/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển KTBM trên địa bàn tỉnh Hà Giang, kho, bãi, cơ sở chế biến gia công hàng xuất khẩu tại các cửa khẩu; hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa; hỗ trợ thuê mặt bằng kinh doanh. Kết quả lớn nhất trong hoạt động KTBM của Hà Giang là tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2016 đạt trên 1,2 tỷ USD, gấp hơn 6 lần so với năm 2015 và cũng là năm cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đang trở thành cửa ngõ thông thương giữa Hà Giang với Trung Quốc, từ đó đến các nước trên thế giới. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu qua Cửa khẩu Thanh Thủy năm 2017 có thể lên tới 3,2 tỷ USD. Nhờ đó, thu ngân sách của tỉnh năm nay có thể đạt gần 1.900 tỷ đồng.

Để hoạt động KTBM thực sự thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc

tế, tháng 4/2017, tỉnh Hà Giang đã công bố Quyết định số 125/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy đến năm 2030. Theo đó, Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy sẽ được xây dựng thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển du lịch; có kết cấu hạ tầng cơ sở đồng bộ, hiện đại; phát triển bền vững…

Cũng theo quy hoạch, các doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được áp dụng thuế suất ưu đãi, miễn thuế thu nhập và giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp… Hàng hóa, dịch vụ sản xuất, tiêu thụ trong khu phi thuế quan, hàng hóa dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hóa dịch vụ từ khu phi thuế quan xuất ra nước ngoài không phải chịu thuế giá trị gia tăng.

Nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, điều quan trọng nhất đối với mỗi con người hay một địa phương không phải là hiện tại mà là triển vọng phát triển trong tương lai. Hà Giang đang có định hướng tương đối rõ trong phát triển, nhất là sau khi tiềm năng, lợi thế và lối ra đã được tìm thấy. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý lãnh đạo tỉnh Hà Giang không được chủ quan, bởi từ chủ trương đến thực hiện còn là một bước dài.

Hiện nay, Hà Giang có 7 huyện biên giới thì có tới 6 huyện nghèo đặc biệt khó khăn. Dù năm qua, Hà Giang đã giảm được 5% hộ nghèo, nhưng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn là 45%, thuộc diện cao nhất trong các tỉnh Tây Bắc.
Tâm Thanh
Bài viết cùng chủ đề: Kinh tế cửa khẩu