Kinh tế châu Á sẽ hồi phục như trước dịch vào năm 2022
Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản và Nikkei đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 38 nhà kinh tế đến từ 5 quốc gia ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) và Ấn Độ. Các nhà kinh tế học cho rằng, khả năng kinh tế sẽ hồi phục vào năm 2021 về mức tăng trường trước dịch là rất khó vì tốc độ nghiên cứu vaccine Covid-19 cũng như tính hiệu quả của vaccine có ảnh hưởng lớn đến tốc độ phục hồi kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế châu Á sẽ phục hồi vào năm 2022.
Nền kinh tế châu Á đã chứng kiến mức suy giảm kinh tế lớn trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6. Các dự báo tăng trưởng cho năm tài chính 2020 và 2021 của 6 quốc gia tham gia khảo sát đều liên tục bị điều chỉnh giảm xuống mỗi quý. Đối với 5 quốc gia ASEAN, dự báo tăng trưởng cho năm 2020 và 2021 lần lượt là -5% và 4,3%. Con số tăng trưởng trong năm 2021 cho thấy sự phục hồi đáng kể của các nền kinh tế, tuy nhiên, đa phần đều do các tác động cơ bản chứ không hề có đột phá. Nhiều nhà kinh tế dự đoán rằng tốc độ phục hồi kinh tế vào năm 2021 không chắc chắn và ít mạnh mẽ vì phụ thuộc vào tình hình đại dịch trên thế giới.
Nền kinh tế của các nước ASEAN sẽ có những chuyển biến tích cực trong quý 1 và quý 2, dù không chắc chắn và mạnh mẽ. Ông Alvin Ang - chuyên gia kinh tế của Đại học Ateneo de Manila của Philippines - cho biết, sự phục hồi yếu ớt là do "nền kinh tế vẫn ở trong tình trạng phòng chống dịch". Ông nói thêm, việc triển khai vaccine rộng rãi sẽ "mất nhiều thời gian".
Nhận xét về triển vọng kinh tế Indonesia, ông Wisnu Wardana - thuộc Ngân hàng Danamon cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi cuối năm 2021, dù mức tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn ở dưới mức trước đại dịch".
Ông Nattaporn Triratanasirikul - chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Kasikorn, Thái Lan cho biết: "Nền kinh tế Thái Lan có thể tiếp tục suy thoái, chủ yếu là do rủi ro kinh tế toàn cầu leo thang. Dịch Covid-19 vẫn chưa được kiếm soát trên toàn cầu".
Một số nhà kinh tế có cái nhìn tích cực hơn. Ông Vincent Loo Yeong Hong - chuyên gia tại KAF Research, Malaysia - nhấn mạnh: “Triển vọng phục hồi kinh tế sẽ phụ thuộc vào vaccine và các biện pháp kích thích tiêu dùng". Ông Manu Bhaskarn - chuyên gia tại Centennial Asia Advisors tại Singapore - cũng cho rằng, nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng bất ngờ trong năm tới bởi các hộ gia đình đã có khoản tiết kiệm đáng kể.
Trong khi đó, nền kinh tế Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19. Từ tháng 4 đến tháng 6, quy mô nền kinh tế nước này giảm -23,9%. Tốc độ giảm phát trong tháng 7 đến tháng 9 đã chậm lại ở mức 7,5%. Dự báo tăng trưởng trong năm tài chính 2020/2021 đạt -8,2% và sẽ tăng 9,1% vào năm 2021/2022.
Ông Tirthankar Patnaik - Sở Giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ - nhận xét rằng, nền kinh tế nước này phục hồi nhanh hơn dự kiến và có thể tăng trưởng dương vào quý 4/2020. Tuy nhiên, nền kinh tế Ấn Độ vẫn đang chịu rủi ro do có khả năng dịch sẽ bùng phát trở lại. Mặt khác, Ấn Độ cũng phải đối mặt với lạm phát lên tới 6,0% trong nhiều tháng qua.
Khảo sát cho thấy, tốc độ phục hồi kinh tế tại các nước châu Á phụ thuộc phần lớn vào vaccine Covid-19. Một phần khác nằm ở chính sách các quốc gia như là tăng chi tiêu công và các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ. Mặt khác, các chính sách của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Joe Biden và quan hệ Mỹ - Trung cũng có tác động tới nền kinh tế khu vực.