Kinh doanh trên mạng xã hội: Báo động hàng giả, hàng nhái
Công khai bán hàng
Trong những năm gần đây, hoạt động buôn bán trên Facebook, Zalo rất nhộn nhịp, đa dạng chủng loại hàng hóa. Điều này tạo thuận lợi cho việc mua và bán dễ dàng, nhanh chóng. Tuy nhiên - ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương - cho rằng, điều này cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề tiêu cực, nguy cơ bất ổn cho nền kinh tế. Vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... được công khai mua bán trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo hay trên các website thương mại điện tử, các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Hoạt động kinh doanh trên Facebook, Zalo rất nhộn nhịp |
Trước tình hình đó, các đơn vị thuộc Tổng cục QLTT đã tăng cường kiểm tra việc kinh doanh của các tổ chức, cá nhân bán hàng trên mạng. Điển hình, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) đã phối hợp cùng thành viên Tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ 368) đã kiểm tra đột xuất một “tổng kho” có cơ sở tại Thanh Oai, Hà Nội, phát hiện hơn 10.000 sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu Gucci và Sensodyne. Theo đại diện Đội QLTT số 1, cơ sở này kinh doanh hàng hóa là quần áo, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... hoạt động ẩn sâu trong khu dân cư và chỉ sử dụng tài khoản facebook.com có tên “Tổng kho Huyền Trang” để giao dịch mua bán, giao nhận hàng hóa. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang có 7 nhân viên sử dụng máy tính và điện thoại di động để trao đổi, giao dịch với khách hàng trực tuyến online.
Trước đó, Cục QLTT Hà Nội cùng Tổ 368 thu giữ hơn 5.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas tại cơ sở kinh doanh giày dép ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) do bà Trần Thị Thanh Duyên làm chủ. Chủ cơ sở sử dụng tài khoản Zalo có tên “Giầy” với số điện thoại và tên của bà Duyên để kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Phối hợp chặt chẽ
Qua thực tiễn xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực thương mại điện tử, Tổng cục QLTT nhận thấy, đây là lĩnh vực vừa mới vừa khó đối với công chức QLTT. Đặc biệt, nhiều địa chỉ bán hàng online khai báo thông tin, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể. Bên cạnh đó, người tiêu dùng mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng nhưng do tâm lý ngại va chạm, số lượng, số tiền ít nên không tố giác hành vi vi phạm. Quan trọng hơn là các đối tượng vi phạm sau khi dùng tài khoản bán hàng đã đóng/xóa tài khoản để thiết lập một tài khoản khác cho mục đích lừa đảo tiếp theo. Do đó người tiêu dùng muốn tố giác cũng không còn chứng cứ.
Trước thực trạng trên, đại diện Tổng Cục QLTT cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế, rà soát phân loại các website…, thời gian tới, Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh xúc tiến làm việc với Facebook để hợp tác, xử lý nhanh các vấn đề liên quan tới bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên Facebook.
Ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Chánh văn phòng Tổng cục QLTT: Để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề này, không chỉ riêng Bộ Công Thương mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. |