Kiểm toán nhà nước chỉ rõ bất cập trong lập dự toán thu nội địa của các địa phương
Theo lãnh đạo Kiểm toán nhà nước khu vực X, qua kiểm toán trên địa bàn 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang những năm gần đây, Kiểm toán nhà nước nhận thấy, có tình trạng số ước thực hiện và số dự toán thu ngân sách nhà nước thường được địa phương lập và bảo vệ ở mức thấp nhằm giảm áp lực khi thực hiện thu ngân sách và tăng số dự toán thu điều tiết từ cấp trên.
Dù ở thời điểm lập dự toán, số ước thực hiện chưa được tính toán đầy đủ trên cơ sở số liệu thu đã hoàn thành của các tháng trước liền kề và dự tính chưa đầy đủ số phát sinh các tháng cuối năm, nhưng nhiều địa phương ước thực hiện thấp hơn số được giao dự toán đầu năm. Trong khi thực tế kiểm toán cho thấy, hầu hết các năm, địa phương đều hoàn thành và vượt mức dự toán được giao.
“Số ước thực hiện thấp dẫn tới số lập dự toán thu ngân sách nhà nước thấp; lập dự toán thu ngân sách nhà nước chưa phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ” - Kiểm toán nhà nước khu vực X cho hay.
Cùng với đó, Kiểm toán nhà nước khu vực X cũng chỉ ra, tình trạng địa phương lập dự toán nhưng chưa tính toán, bao quát hết nguồn thu. Chẳng hạn như chưa tính toán triệt để số dự kiến thu từ một số nguồn thu tiền thuế nợ, số tiền thuế được gia hạn ở năm hiện tại nhưng kết thúc ở năm được lập dự toán (thời điểm người nộp thuế phải thực hiện nộp ngân sách nhà nước); tiền sử dụng đất, tiền thu bảo vệ đất trồng lúa; các khoản thu khác...
Qua thực tiễn kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra bất cập trong công tác quản lý thu ngân sách của địa phương |
Nêu cụ thể về sự ảnh hưởng của việc giảm thu ngân sách nhà nước từ thực hiện chính sách giảm, gia hạn thuế, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước khu vực X cho biết, số tiền thuế bị giảm do gia hạn thuế được các địa phương đánh giá, tính toán khi lập dự toán (để thuyết minh cho việc lập dự toán thấp) nhưng không xét đầy đủ số sẽ thu được ở thời điểm kết thúc việc gia hạn, số tiền thuế phải nộp ở năm được lập dự toán. Thực tiễn cho thấy, số tiền thuế nợ, tiền thuế được gia hạn từ năm trước là nguồn thu rất lớn sẽ được các cơ quan Thuế thực hiện thu ở kỳ thực hiện dự toán nhưng thường đánh giá không đầy đủ, bỏ sót số thu ở khâu lập, giao dự toán.
Tương tự, đối với một số khoản tiền thu từ đất và các khoản thu khác, các địa phương chưa làm rõ các căn cứ xây dựng như kế hoạch sử dụng đất, các khoản thu khác đã có dự kiến, từ đó có thể bỏ sót nguồn thu hoặc xây dựng dự toán thu không sát với thực tế phát sinh.
Ngoài ra, còn có tình trạng dự toán thu ngân sách nhà nước lập chưa cân đối hài hòa với số bình quân phải thực hiện trong một năm của kế hoạch thu ngân sách nhà nước 5 năm. Cụ thể, ở những năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách địa phương, dự toán lập không đảm bảo thu ở mức trung bình cho từng năm dẫn tới dồn vào 1-2 năm cuối của thời kỳ ổn định. Thực tế này có thể dẫn đến việc không hoàn thành kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra.
Do đó, kinh nghiệm được Kiểm toán nhà nước khu vực X đúc rút ra là trong quá trình kiểm toán cần xem xét thêm về cơ sở xây dựng dự toán của các địa phương. Trong đó, cần xem xét việc thu thập dữ liệu, tài liệu làm cơ sở xây dựng dự toán đầy đủ, từ nhiều nguồn, phân tích đối chiếu các tài liệu có liên quan để thấy được sự thiếu logic trong số dự toán lập với các tài liệu làm căn cứ.
Kiểm toán số ước thực hiện cần xem xét đầy đủ trên cơ sở các tháng đã phát sinh trong năm theo từng đối tượng nộp thuế và khu vực có phát sinh lớn, có thể chọn mẫu tờ khai, số liệu thu nộp của một số người nộp thuế để chỉ ra số ước thực hiện là chưa đảm bảo làm cơ sở kiến nghị phù hợp.
Kiểm toán nhà nước cũng cần đánh giá số lập và giao dự toán một cách toàn diện ở năm được kiểm toán và các năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (5 năm), để từ kết quả kiểm toán dự báo được việc muốn hoàn thành kế hoạch 5 năm thì địa phương cần lập dự toán thu ngân sách ở mức nào; đồng thời chỉ ra được việc lập dự toán, phê duyệt dự toán của địa phương là chưa phù hợp với việc phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước theo giai đoạn 5 năm.
Cùng với đó, cần rà soát số liệu lập dự toán đối với nguồn thu từ việc chống thất thu ngân sách nhà nước, xử lý thu hồi tiền thuế nợ, số tiền thuế phải nộp ngân sách nhà nước khi hết thời gian gia hạn.