Điều chỉnh tín dụng không gây áp lực tăng lạm phát 4 nguyên nhân khiến CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% |
Áp lực tăng lạm phát thế giới tác động thế nào đến Việt Nam?
Theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt mức kỷ lục trong tháng 5 vừa qua. Trong đó, tại Mỹ, lạm phát tháng 5/2022 đã tăng 8,6%, cao nhất kể từ năm 1981. Cùng với đó, lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng tăng 8,1%, nghĩa là tăng gấp 4 lần mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu đề ra.
Tại châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát tại Thái Lan đã tăng lên đến 5,3%, tại Hàn Quốc tăng 4,3%, Indonesia tăng 2,8% và Malaysia tăng 2,4%.
Lạm phát của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 2,44%, với kết quả này, các chuyên gia cho rằng, đây là thành công của Việt Nam trong kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, áp lực lạm phát những tháng cuối năm đang rất lớn, nhất là trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới đang tăng mạnh, ảnh hưởng đến giá xăng dầu và giá cả các loại hàng hoá trong nước. Theo đó, “độ trễ” của lạm phát sẽ tập trung vào quý III và IV/2022 và năm 2023.
Điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục sẽ tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát |
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thu Oanh, áp lực lạm phát cuối năm sẽ thể hiện qua những yếu tố sau. Đầu tiên là giá nguyên liệu thế giới hiện nay đang ở mức cao, Việt Nam lại là quốc gia phải nhập khẩu rất lớn nguyên, vật liệu cho sản xuất, do đó khi giá thế giới tăng cao sẽ tác động vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp, từ đó đẩy giá hàng hoá tiêu dùng tăng cao, tạo áp lực cho lạm phát và nền kinh tế.
Ngoài ra, khả năng giá lương thực, thực phẩm sẽ tăng cao trong thời gian tới, nhất là những tháng cuối năm, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời kỳ trước dịch diễn ra.
“Chúng ta có lợi thế là chủ động được nguồn cung ứng thực phẩm trong nước, tuy nhiên chúng ta khó tránh khỏi ảnh hưởng khi thế giới hiện đang đối diện với nguy cơ khủng hoảng lương thục toàn cầu, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cả trong nước, vì nhóm hàng lương thực thực phẩm có quyền số rất lớn trong rổ hàng hoá CPI, do đó biến động giá của nhóm này có tác động mạnh tới lạm phát của nền kinh tế” - bà Nguyễn Thu Oanh thông tin thêm.
Một yếu tố nữa cũng tạo áp lực đến lạm phát những tháng cuối năm là, nền kinh tế trong nước đang trong giai đoạn phục hồi rõ nét, các số liệu kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm cho thấy, GDP tăng trưởng tốt, cùng với các gói hỗ trợ đã thẩm thấu vào nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
“Tôi đánh giá 6 tháng cuối năm nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn nữa, khi đó nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với hàng hoá sẽ tăng mạnh. Một số hoạt động về du lịch, vui chơi giải trí, ăn uống ngoài gia đình gia tăng, từ đó sẽ đẩy giá hàng hoá dịch vụ lên cao, tạo áp lực cho kiểm soát lạm phát” - bà Nguyễn Thu Oanh khẳng định.
Đặc biệt, nhiều địa phương đang điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế theo lộ trình của Nhà nước, điều này sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt chỉ số giá về dịch vụ giáo dục khi chúng ta áp dụng thu học phí ở các cấp học theo Nghị định 81 thì sẽ có tác động đến CPI. Bên cạnh đó, việc tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 cũng tác động làm tăng CPI.
Giá thịt lợn đang tăng trở lại trong tháng 6/2022 |
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa và cân nhắc khi điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục
Với những phân tích trên, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm là rất lớn, “đe dọa” đến khả năng hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Quốc hội đề ra.
Theo đó, để kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, đối với xăng dầu, cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung, đồng thời nghiên cứu giải pháp giảm thuế, chia sẻ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi giá xăng dầu tăng cao như hiện nay.
Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ các nguồn hàng, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm và các hàng hoá tiêu dùng thiết yếu, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn, vì mặt hàng này đang có dấu hiệu tăng giá trở lại trong tháng 6/2022.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đảm bảo nguồn cung, nhất là cuối năm khi nhu cầu thịt lợn tăng cao, các cơ quan trung ương và địa phương cũng cần tăng cường kiểm soát khâu trung gian trên thị trường, nhằm ổn định giá mặt hàng này trong những tháng cuối năm.
Thứ ba, trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng như hiện nay, việc điều chỉnh giá dịch vụ theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn giảm học phí theo lộ trình sẽ khiến áp lực lạm phát gia tăng.
Theo đó, bà Nguyễn Thu Oanh kiến nghị, các cơ quan liên quan nên đề xuất nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để điều chỉnh phù hợp và cũng không nên điều chỉnh nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý, hoặc nếu điều chỉnh năm nay hoặc năm sau thì cũng cần tính toán điều chỉnh giãn ra giữa các quy định, nhằm giảm áp lực lên lạm phát.
Thứ tư, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác để kiểm soát được lạm phát như yêu cầu Quốc hội đề ra, đảm bảo đầy đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro về lạm phát.
CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,25%. |