Kích cầu du lịch từ các tour, tuyến mới cho đồng bào dân tộc và miền núi Cao Bằng
Nằm trong chuỗi Chương trình Famtrip do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức, từ ngày 18-20/12, đoàn khảo sát đã tới tham quan một số điểm du lịch tại tỉnh Cao Bằngnhằm quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh kết nối với các tỉnh phía Bắc.
Cụ thể, đoàn đã tham quan và khảo sát tại các điểm như: Làng du lịch cộng đồng Khuổi Khon (xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc) - ngôi làng có 56 hộ dân tộc Lô Lô sinh sống với những văn hóa độc đáo của người dân nơi đây; Đèo Khau Cốc Chà (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc); Mế Famstay (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng); thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh), Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (xã Tân Thịnh, thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hòa).
Đoàn khảo sát tham quan tại Thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) |
Theo thông tin từ UBND huyện Hà Quảng chia sẻ với đoàn khảo sát, tình hình phát triển du lịchtrên địa bàn huyện đã có nhiều đổi mới. Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng Phạm Xuân Tùng cho biết, Hà Quảng có tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ, du lịch. Trên địa bàn huyện có đủ 2 loại tài nguyên du lịch: Tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.
Nguồn tài nguyên văn hóa huyện Hà Quảng phong phú và đa dạng, Hà Quảng có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống là: Nùng, Tày, Mông, Dao và Kinh, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng riêng, phong tục tập quán, tiếng nói, trang phục dân tộc riêng; có làn điệu dân ca, dân vũ riêng như hát Then, đàn tính, lượn Nàng ới (dân tộc Tày); Tài Sli, Dá Hai, Hà Lều (dân tộc Nùng); hát lượn (dân tộc Dao Đỏ), Múa khèn (dân tộc Mông)...; cùng có nhiều điểm di tích cấp quốc gia.
Hàng năm, huyện cũng đã tập trung phát triển du lịch gắn với công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống tại địa phương. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác phát triển du lịch thông qua các lớp tập huấn về du lịch, các hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trong và ngoài tỉnh; các lớp truyền dạy hát dân ca, chương trình đưa các làn điệu dân ca vào chương trình hoạt động ngoại khóa tại các trường học; xây dựng các mô hình hát then, đàn tính…
Đoàn tham quan tại Khu di tích Anh hùng liệt sĩ Kim Đồng |
Tuy nhiên, theo ông Tùng, dù đã được quan tâm, đầu tư, song hoạt động du lịch trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, do địa hình xa xôi và một số điểm còn thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, chưa đa dạng các hoạt động liên kết chuỗi trong phát triển du lịch.
"Nhằm đẩy mạnh, quảng bá về các sản phẩm và tiềm năng du lịch, thời gian tới, huyện sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và người dân. Tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh, trải nghiệm văn hóa bản địa, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, ẩm thực, xây dựng điểm đến du lịch an toàn, thân thiện và mến khách, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương" - Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng nhấn mạnh.
Mục tiêu của chương trình Famtrip giúp khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Cao Bằng |
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đây là hoạt động nhằm thực hiện Dự án 6, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu của chương trình Famtrip giúp khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Cao Bằng. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương thông qua hoạt động du lịch, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ngôn ngữ, lễ hội và nghề thủ công tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, chương trình cũng giúp tăng cường ý thức bảo vệ môi trường, cụ thể như thông qua việc xây dựng các mô hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đây sẽ là tiền đề thu hút du khách, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Chị Nguyễn Nga – đại diện Công ty Cổ phần tập đoàn Phú Tài Đức Hà Tĩnh chụp ảnh cùng các em nhỏ tại Làng văn hoá du lịch Lũng Cẩm |
Chia sẻ về chuyến khảo sát với Báo Công Thương, chị Nguyễn Nga – đại diện Công ty Phú Tài Đức Travel Hà Tĩnh - tham gia chương trình, cho biết, đây là một hành trình đầy ý nghĩa. Qua chương trình, đã đưa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đến gần bà con hơn. Chúng tôi cũng hiểu hơn về văn hoá đặc trưng của từng điểm đến để xây dựng những sản phẩm phù hợp với du khách.
Đặc biệt, qua chương trình, các doanh nghiệp cũng đã giao lưu, kết nối với các điểm du lịch kết hợp với các homestay. Qua đó, hứa hẹn sẽ có nhiều sản phẩm du lịch mới thu hút khách du lịch đến gần với đồng bào hơn.
“Chúng tôi nhận thấy điểm khác nhau ở mỗi điểm đến, nhiều nơi còn hoang sơ chưa được đầu tư, nhiều nơi đã có nền tảng song tổng thể, để níu chân du khách, các địa phương cần xây dựng một chiến lược tổng thể hơn, bài bản và đồng bộ hơn, làm sao tạo nên nét đặc trưng riêng của từng điểm đến” - chị Nga cho hay.
Trước đó, từ ngày 15-17/12, đoàn đã thực hiện khảo sát thực tế tại một số địa điểm trên địa bàn tỉnh Hà Giang như tại Làng văn hóa lịch cộng đồng thôn Khun (xã Bằng Lang, huyện Quang Bình); công viên địa chất toàn cầu Cao Nguyên đá Đồng Văn, Làng Dao Nặm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ); Làng bảo tồn văn hóa Hmong Village (xã Đông Hà, huyện Quản Bạ); Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm (Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang); Dinh thự Nhà Vương (Xà Phìn, Đồng Văn); tham quan Hẻm vực Tu sản – sông Nho Quế (xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc).
Theo các công ty lữ hành, thông qua đợt khảo sát lần này sẽ giúp các công ty lữ hành tìm hiểu tiềm năng du lịch tại một số điểm mới của Hà Giang cũng như Cao Bằng |
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, những điểm được khảo sát lần này đều là những điểm được lựa chọn đầu tư theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 nhằm thúc đẩy phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cũng theo các công ty lữ hành, thông qua đợt khảo sát lần này sẽ giúp các công ty lữ hành tìm hiểu tiềm năng du lịch tại một số điểm mới của Hà Giang cũng như Cao Bằng. Đồng thời, đề xuất hướng phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng và sản phẩm du lịch gắn với văn hoá lịch sử bản địa. Việc thúc đẩy phát triển các điểm du lịch này sẽ góp phần giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa của từng địa phương.