Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 6/5: VPB, ANV và DCM
Khuyến nghị cổ phiếu VPB - Mua
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE: VPB) đã thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm 2024 với những mục tiêu chi tiết và cụ thể.
Theo đó, kế hoạch này bao gồm mục tiêu tăng trưởng tín dụng dự kiến lên tới 25%, với con số cuối cùng phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc phân bổ hạn mức bổ sung.
VPBank (VPB) là một trong những ngân hàng có lịch sử lâu đời tại Việt Nam. Ngân hàng được thành lập vào ngày 12/8/1993 dưới sự cấp phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
Ngoài ra, kế hoạch còn đề ra mục tiêu tăng trưởng huy động vốn ở mức 22%, đồng thời kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3%. Trong năm nay, VPB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế lên đến 23.200 tỷ đồng, tăng 114% so với năm trước, vượt xa dự báo ban đầu của Công ty Chứng khoán Vietcap (VCSC) là 16,8 nghìn tỷ đồng. Đây là một bước tiến lớn đối với ngân hàng, thể hiện sự tăng trưởng ấn tượng và sự quyết tâm trong quản lý tài chính.
Bên cạnh đề xuất chia cổ tức tiền mặt ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ESOP, VPB cũng đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế để tài trợ cho các dự án xanh/ESG, thể hiện cam kết của mình đối với việc bảo vệ môi trường và xã hội.
Mặc dù FE Credit ghi nhận lỗ trong quý I/2024, VPB vẫn tự tin vào việc cải thiện tình hình tài chính của FE Credit trong nửa cuối năm để đạt được lợi nhuận kế hoạch cho năm 2024 là 1.200 tỷ đồng.
Sự tự tin này dựa trên việc cải thiện NIM và nhu cầu tín dụng, cũng như việc giảm chi phí huy động vốn của FE Credit. Ban lãnh đạo cũng dự báo FE Credit có thể đạt được lợi nhuận trước thuế khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng từ năm 2025 trở đi.
Bên cạnh đó, với việc thắt chặt quy định bancassurance và nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ chậm, VPB không kỳ vọng ghi nhận tăng trưởng đối với doanh thu mảng bancassurance.
Cuối cùng, sự gia nhập của 2 thành viên HĐQT mới là ông Takeshi Kimoto từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) và bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám Đốc đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu 19,72% cổ phần của VPB hứa hẹn mang lại sự đa dạng và chuyên môn cho Ban lãnh đạo của VPB.
Với những cơ sở trên, VCSC đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB, giá mục tiêu kỳ vọng là 24.000 đồng/cp, kỳ vọng sinh lời 30% so với giá đóng cửa phiên 3/5.
Khuyến nghị cổ phiếu ANV - Mua
Kết thúc quý I/2024, Công ty Cổ phần Nam Việt (HOSE: ANV) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.016 tỷ đồng và lãi ròng 17 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 82% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về cơ cấu mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu là thành phẩm (97%) mang về 984 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ; doanh thu khác (không đáng kể) giảm 2%, ghi nhận 4,3 tỷ đồng. Ngoài ra ANV còn bị bị hụt doanh thu từ công trình xây lắp, cùng kỳ đạt 2,7 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu từ bán điện năng lượng mặt trời tăng nhẹ 1,5% lên 27,5 tỷ đồng.
Mặt khác, doanh thu hoạt động tài chính giảm 42% xuống còn 5,2 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do lãi từ tiền gửi có kỳ hạn giảm từ hơn 6 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 756 triệu đồng, tương ứng giảm 88%. Ngược lại, lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh và lãi bán hàng trả chậm lần lượt tăng 40% và gấp hơn 12 lần cùng kỳ.
Quy mô tài sản của ANV tại ngày 31/3/2024 hơn 5.062 tỷ đồng, thu hẹp gần 1% so với đầu năm. Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả giảm 3% so với đầu năm, còn 2.198 tỷ đồng. Trong đó, công ty vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 1.754 tỷ đồng, giảm gần 2%; vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 173 tỷ đồng, tăng 20%.
Như vậy, với những gì đã đạt được trong 3 tháng đầu năm, ANV mới chỉ hoàn thành được 20% kế hoạch doanh thu và hơn 5% mục tiêu lãi sau thuế đã đề ra trước đó.
Mặc dù chỉ hoàn thành được 1 phần nhỏ kế hoạch kinh doanh sau quý I, tuy nhiên Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá ANV vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong 3 quý còn lại nhờ vào yếu tố nội tại doanh nghiệp cũng như tiềm năng của ngành cá tra.
Dựa trên tiềm năng đó, VCBS ước tính giá trị của cổ phiếu ANV là 38.838 đồng/cp. So với giá đóng cửa phiên thứ Sáu tuần trước, mức giá trên hiện đang cao hơn khoảng 32%.
Khuyến nghị cổ phiếu DCM - Mua
Kết thúc quý I/2024, Công ty Cổ phần Đạm Cà Mau (HOSE: DCM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.744 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán lại giảm 6% còn đạt 2.034 tỷ đồng. Điều này góp phần đưa lợi nhuận gộp của DCM tăng thêm 24%, lên mức 709 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính cũng ghi nhận tăng thêm 10,8%, đạt 131 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng từ 8,9 tỷ đồng lên 14 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 21%, đạt 337 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm 20%, còn 114 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của DCM đạt 349 tỷ đồng, tăng 52% so với mức 229 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước. Năm 2024, DCM đặt mục tiêu đạt 794 tỷ đồng lãi ròng và như vậy ngay từ quý I, DCM đã hoàn thành 43% kế hoạch năm về lãi ròng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản tại ngày 31/3/2024 của DCM ở mức 15.743 tỷ đồng, tăng 3,3% so với mức 15.237 tỷ đồng ghi nhận ngày đầu năm 2024. Trong đó, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn của doanh nghiệp tăng thêm 34%, từ mức 2.272 tỷ đồng lên mức 3.060 tỷ đồng. Khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng của doanh nghiệp cũng tăng gấp 5,5, lần, đạt 55 tỷ đồng.
Trong năm nay, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng lên kế hoạch trả cổ tức 2.000 đồng/cp. Kế hoạch này có thể một phần đến từ việc mới mua lại công ty phân bón Hàn Việt khi mà hoạt động của công ty này vẫn đang lỗ do công suất hoạt động thấp.
Dựa trên hoạt động kinh doanh tích cực của doanh nghiệp, bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) khuyến nghị mua cổ phiếu DCM với giá mục tiêu 34.700 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến là 14,5%.