Thứ hai 25/11/2024 19:37

Không để tín dụng đen hoành hành sau đại dịch

Trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch, hoạt động “tín dụng đen” lại hoành hành ở nhiều địa phương khiến không ít người dân rơi vào cảnh “khốn cùng”, mất nhà cửa. Để tín dụng đen không hoành hành sau đại dịch rất cần sự tham gia đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội.

Tín dụng đen “bủa vây” những người yếu thế

Theo thông tin tại Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức", do Báo Lao động tổ chức chiều ngày 12/11, thời gian qua hoạt động tín dụng đen xảy ra tại nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây bức xúc trong xã hội. Tín dụng đen đang bủa vây những người yếu thế, từ thành phố cho tới nông thôn. Đáng lo ngại hơn, với cách đòi nợ kiểu “xã hội đen” hiện nay, không ít người dân rơi vào cảnh khốn cùng, mất nhà cửa… Tuy nhiên, việc ngăn chặn tín dụng đen không dễ dàng khi thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, thậm chí sử dụng công nghệ cao, tổ chức hoạt động tín dụng đen qua mạng.

Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức" do Báo Lao động tổ chức chiều ngày 12/11

Theo Bộ Công an, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an các địa phương đã cấp mới 2.436 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Đồng thời, cũng thu hồi 175 Giấy chứng nhận và phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỉ đồng. Qua công tác nghiệp vụ, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện: 6664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.

Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công An cho biết: Sau 02 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính Phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen đã có những chuyển biến tích cực. Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, quảng cáo giảm mạnh.

“Trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị 12, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tính dụng đen, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1047 vụ/1718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; Xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng. Gồm các tội danh: Giết người; Cố ý gây thương tích; Làm nhục người khác; Bắt, giữ, giam người trái pháp luật; Xâm phạm chỗ ở người khác; Cướp tài sản…” - Trung tá Đỗ Minh Phương thông tin.

Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an: Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước

Tuy được kiềm chế, nhưng đại diện Bộ Công an cũng nhìn nhận: Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Đồng thời, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên vay tiền…

Đẩy mạnh tín dụng chính thức, "hạ nhiệt" tín dụng đen

Nhằm "hạ nhiệt" tín dụng đen, một trong những giải pháp quan trọng được các đại biểu đưa ra là đẩy mạnh tín dụng chính thức. Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng, Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết: Triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của ngành với 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dung, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen.

Qua 02 năm triển khai Chỉ thị 12 và Chương trình hành động của ngành ngân hàng, đến nay ngành ngân hàng đã đạt một số kết quả nổi bật. Cụ thể, NHNN đã chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng...

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng, Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN: NHNN đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của ngành với 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen

Bên cạnh đó, NHNN cũng chú trọng phát triển mạng lưới, từ năm 2019 đến nay, NHNN đã cấp phép thành lập mới 29 chi nhánh, Văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp cho các tổ chức tín dụng. Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân; riêng công ty tài chính đã có 22 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 13 chi nhánh, 43 văn phòng đại diện và hơn 50 nghìn điểm giới thiệu dịch vụ tại tất cả các tỉnh, thành phố; có 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với khoảng 115 chi nhánh, phòng giao dịch tại nhiều tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, NHNN đã cùng với hệ thống ngân hàng tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; giải đáp nhiều kiến nghị; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh tín dụng đen. Đến cuối tháng 10/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,99 triệu tỉ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020, là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen) đạt trên 2,48 triệu tỉ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 9,2% so với cuối năm 2020 và tăng 32,8% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12.

“Đặc biệt, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 tổ chức tín dụng tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt gần 1,95 triệu tỉ đồng, chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2020, tăng 9,55% so với cuối năm 2018 và tăng 5,4% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12, trong đó dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn 84%” - bà Hà Thu Giang thông tin.

Ông Phan Cử Nhân - Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông- Ngân hàng Chính sách xã hội: Ngân hàng chính sách xã hội đã có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ hoạt động tín dụng chính sách, ông Phan Cử Nhân - Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông -Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: Trước tình hình tín dụng đen diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, thực hiện chỉ đạo của NHNN, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen như: Nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ; vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, Ngân hàng đã tăng cường công tác quản lý chất lượng tín dụng, phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức hội đoàn thể phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với vốn vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng, tăn cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN cho rằng: Việc phòng, chống tín dụng đen cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn với sự tham gia đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công an cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho tín dụng đen. Đồng thời, có giải pháp phù hợp cho phép sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân trong việc xác thực khách hàng để giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng của tín dụng đen.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN: Ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Lãnh đạo NHNN cũng mong muốn, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, phục vụ đời sống; hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình thẩm định, xác minh đối tượng, nhu cầu vay vốn của người dân; kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong xử lý tài sản bảo đảm nhằm tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức hiệu quả hơn.

Đối với ngành ngân hàng, Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết, sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân.

“Ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn như xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen” - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần tiết giảm chi phí hoạt động, quan tâm dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất hợp lý. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác.

Hoàng Lan
Bài viết cùng chủ đề: Ngân hàng

Tin cùng chuyên mục

VietinBank duy trì đà tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh

VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên tại VLCA 2024

Ngành ngân hàng tiên phong trong áp dụng các tiêu chuẩn ESG

ABBANK được vinh danh ngân hàng có Chất lượng điện thanh toán quốc tế xuất sắc 2024

Vốn cho đồng bằng sông Cửu Long: Nếu ngân hàng thương mại không đủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn

VPBank lọt Top 10 Doanh nghiệp vốn hóa lớn có Quản trị công ty tốt nhất năm 2024

HDBank đạt bộ ba giải thưởng tại cuộc bình chọn 'Doanh nghiệp niêm yết 2024'

Đại hội cổ đông bất thường, LPBank chốt 3 nội dung quan trọng

Nhà băng 'tung' ưu đãi, ‘trợ lực’ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu dịp cuối năm

MSB hợp tác cùng Backbase, SmartOSC triển khai nền tảng ngân hàng tương tác

Cơ hội vàng cho doanh nghiệp SME: Mở tài khoản BIZ MBBank, rinh xe hơi Vinfast VF3 và iPhone 15 Pro Max

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: 25 năm hành trình vun đắp niềm tin

VietinBank có thu nhập hoạt động (TOI) cao nhất ngành Ngân hàng

BIDV và KIOTVIET hợp tác triển khai dịch vụ ngân hàng tích hợp

Khác biệt làm nên sức hút của các dịch vụ ngân hàng số TPBank

Lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng tối đa chỉ 5,25%/năm

Trung bình mỗi ngày người dân mang 2.882 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng

Tín dụng tiêu dùng kỳ vọng tăng tốc dịp cuối năm

Tín dụng chính sách: Yếu tố giúp Việt Nam thành hình mẫu của thế giới về giảm nghèo

Techcombank tiên phong triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID