Không bỏ trống việc xử lý người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông
Từ thực tế thời gian gần đây, các vụ tai nạn giao thông do lái xe sử dụng ma túy, rượu bia tăng cao, đến mức làm “…nhiều người sáng ra đi làm không dám chắc chiều có thể về nhà an toàn hay không?” – Đại biểu Nguyễn Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) nêu thực trạng và đặt câu hỏi về trách nhiệm, giải pháp của Bộ trưởng và ngành Công an.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn |
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ chia sẻ với đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy về thực trạng này và nêu rõ, mục tiêu của lực lượng công an là điều tra khám phá nhanh các vụ án, vạch trần tội phạm, nhưng mục tiêu cao hơn là xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, tạo an ninh an toàn cho mọi người dân, để làm sao xã hội không còn tội phạm.
Trên tinh thần này, Bộ Công an đang tập trung để thực hiện các giải pháp này, trong đó có vấn đề an toàn giao thông. Ngành Công an đã và đang phối hợp thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, theo Bộ trưởng Tô Lâm, Quốc hội cần sớm xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông với nhiều hình thức, chế tài, kể cả kiểm soát chất kích thích. “Hiện chúng tôi đứng trước thách thức lớn, Quốc hội mới cho ý kiến về biện pháp kiểm soát người uống rượu bia như thế nào cũng là khó khăn. Biện pháp đo nồng độ cồn từ ngày hôm nay có thể không được áp dụng vì Luật các biện pháp của chúng ta không cấm người lái xe không sử dụng rượu bia” – Bộ trưởng nói và cho rằng, do vậy, việc đo nồng độ cồn sẽ rất khó và cho biết những điều chỉnh này nên đưa vào luật về tổ chức, luật về bảo đảm an toàn giao thông chứ không phải là được điều chỉnh trong Luật phòng chống tác hại của rượu bia.
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội |
Về bất cập trong xử phạt an toàn giao thông, theo Bộ trưởng Tô Lâm, bất cập hiện nay là điều chỉnh trật tự an toàn giao thông mới trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ, với phạm vi luật này, một số văn bản dưới luật, tiêu chí quản lý an toàn giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu.
Liên quan đến vấn về năng lực, đạo đức của cảnh sát, năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm duy trì trật tự, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã có giải pháp nâng cao năng lực của cảnh sát giao thông, tổ chức lại lực lượng cảnh sát giao thông, nâng cao đạo đức, giảm tiêu cực, nâng cao năng lực cho anh em; phối hợp với ngành giao thông, tổ chức hoạt động giao thông trong xã hội cho hợp lý để giảm tai nạn giao thông.
Ngay sau nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Công An, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã giơ bảng xin tranh luận. Bà Thuý nhấn mạnh, việc Bộ trưởng trả lời vì không đưa vào Luật Phòng, chống tác hại rượu bia quy định liên quan đến việc xử lý người tham gia giao thông uống rượu bia là bỏ không kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông nữa, việc này sẽ để lại hệ lụy rất lớn.
“Vấn đề này không đưa vào Luật phòng, chống tác hại rượu bia không có nghĩa là bỏ trống mà đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tức là vẫn xử lý vi phạm hành chính với hành vi này” – Đại biểu Thuý phân tích.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trên thực tế, việc xử phạt của lực lượng công an có khó khăn. “Ngày hôm qua và hôm nay khi xử lý thì lái xe có phản ứng. Tất nhiên, trên thực tế thì vẫn xử lý” – Bộ trưởng phân trần và cho biết, nguyên nhân trong đó có một phần trách nhiệm của Bộ Công an, một phần trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành trong việc thực hiện bảo đảm an ninh trật tự.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định, ngành Công an có trách nhiệm trong việc này và từng bước cải thiện tìm những giải pháp để nâng cao mục tiêu đặt ra, giảm tội phạm, trấn áp các băng nhóm tội phạm…
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rõ, hôm qua (ngày 03/6), Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về chế tài xử phạt đối với người lái xe sử dụng rượu bia. Không phải là Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông mà là Luật hiện hành đã có quy định.
Tuy nhiên, quá bức xúc trước tình trạng sử dụng người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia gây tai nạn, cơ quan soạn thảo và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chế tài, không cần đo độ cồn, cứ uống rượu bia là không được lái xe, và đã uống rượu, bia lái xe là vi phạm. Nhưng, ở phương án thứ hai là giữ nguyên quy định xử lý như hiện nay, tức là phải đo nồng độ cồn vượt quá ngưỡng an toàn có thể gây mất an toàn giao thông thì mới xử phạt, theo Chủ tịch Quốc hội, khi thảo luận cũng có khoảng 50% đại biểu Quốc hội tán thành nên có thể thấy vấn đề chưa được thống nhất nên sẽ thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành.