Khơi thông hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động M&A
Sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt
Dù hoạt động giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) thị trường nội địa cũng trên như toàn cầu đang diễn ra một cách thận trọng, song các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng lâu dài vẫn hiện hữu tại Việt Nam. Trong 2025, dự báo sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn, với các giao dịch M&A tạm hoãn trước đây có khả năng sôi động trở lại.
Theo số liệu của KPMG, các thương vụ M&A được công bố trên toàn cầu tính tới ngày 25/9/2024 đạt 846,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị thương vụ M&A tại châu Á - Thái Bình Dương tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, đạt 273 tỷ USD nhờ một số thương vụ giá trị lớn. Tuy nhiên, trong bình diện chung đó, khối lượng và giá trị giao dịch trong khu vực Đông Nam Á lại khá ảm đạm.
Riêng tại Việt Nam, M&A vẫn đạt tổng giá trị giao dịch 3,2 tỷ USD, với hơn 220 thương vụ. Trong đó, giá trị trung bình của thương vụ 56,3 triệu USD và giá trị cao nhất của thương vụ là 982 triệu USD. 88% giá trị giao dịch đến từ ngành bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp.
Một điểm nổi bật là sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt Nam. Trong 5 quốc gia có giá trị giao dịch lớn nhất, Việt Nam chiếm tới 1,707 tỷ USD, vượt xa Singapore (611 triệu USD), Mỹ (256 triệu USD), Hàn Quốc (93 triệu USD) và Trung Quốc (75 triệu USD). Các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính trong thị trường M&A Việt Nam, khi chiếm 53% tổng giá trị giao dịch được công bố, gần gấp đôi tổng giá trị đóng góp của 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cộng lại.
Các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính trong thị trường M&A Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Một số thương vụ mua bán sáp nhập điển hình như nhóm 4 công ty Việt Nam chi 982 triệu USD mua lại 55% cổ phần Công ty Phát triển Đầu tư và Thương mại SDI; Becamex IDC chuyển nhượng dự án trị giá 553 triệu USD tại Bình Dương cho Sycamore Limited; Masan Group mua lại cổ phần trị giá 200 triệu USD tại VinCommerce từ SK South-East Asia Investment…
Hàng loạt chính sách mới đi vào cuộc sống
Dự báo năm 2025, thị trường M&A sẽ chứng kiến sự trở lại nhộn nhịp hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ, vốn từng dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam. Các giao dịch được thúc đẩy bởi niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế ổn định của Việt Nam và các chính sách chủ động, sâu rộng từ Chính phủ.
Theo đó, việc hàng loạt luật có hiệu lực trong năm 2024 và nhiều dự án luật sửa đổi khác vừa được thông qua kỳ vọng sẽ khơi thông hành lang pháp lý về M&A, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường mạnh mẽ hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đánh giá, các đạo luật như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi làm thay đổi điều kiện trong hoạt động M&A của các dự án có nhu cầu chuyển nhượng trên thị trường theo hướng tích cực hơn, tháo gỡ được các khó khăn cho bên bán và bên mua.
“Với luật mới, cuộc chơi sắp tới trên thị trường bất động sản sẽ chỉ dành cho những người có năng lực thật. Những chủ đầu tư yếu kém sẽ bị sàng lọc, loại trừ. Thị trường M&A bất động sản giai đoạn 2025 - 2026 dự kiến rất sôi động với sản phẩm đa dạng, chất lượng hơn” - ông Đính nhận xét.
Cùng với đó, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV vừa thông qua các dự án luật quan trọng, có tác động lớn đến thị trường M&A như: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Dữ liệu; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp... Đồng thời, Quốc hội cũng “ấn nút” thông qua Nghị quyết về việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Các đạo luật như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi làm thay đổi điều kiện trong hoạt động M&A. Ảnh: Linh Anh |
Còn trong năm 2025, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến, thông qua hàng loạt dự án luật đang được thị trường M&A chờ đợi như: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Quảng cáo (sửa đổi)...
Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Chứng khoán và chủ trương nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ tạo làn sóng đầu tư mới. Khi đó, các quỹ đầu tư nước ngoài có thể đổ vào Việt Nam với quy mô lớn hơn và đẩy mạnh các thương vụ M&A trong các lĩnh vực như tài chính, bất động sản và năng lượng.
Ông Duy Võ - Bộ phận Mua bán và Sáp nhập, Công ty Tư vấn thương vụ ASART - đánh giá, việc sửa đổi các luật trong lĩnh vực kinh tế đang tạo ra hành lang pháp lý cởi mở hơn cho cả đầu tư mới và những giao dịch với dự án đang hoạt động.
Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành đang rất tích cực trong việc thúc đẩy thị trường chứng khoán. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng của thị trường chứng khoán, mà bao gồm cả khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp niêm yết. Việc nâng hạng thị trường có thể giúp thu hút hơn 30 tỷ USD vào nền kinh tế. Đó là một cú hích rất lớn.
“Khi trao đổi với các nhà đầu tư thực hiện M&A, dù không nhắm tới thị trường chứng khoán, nhưng họ coi thị trường chứng khoán phát triển là một chỉ báo cho môi trường đầu tư cởi mở, thanh khoản cao” - ông Duy Võ chia sẻ.
Hay như “một luật sửa 4 luật”, với các chính sách phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đơn giản hóa trình tự, thủ tục… ở Luật Đầu tư công (sửa đổi); việc bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án, nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược ở Luật Đầu tư (sửa đổi)... đang được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ khơi thông các vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động M&A.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Gelex đánh giá, đối với Luật PPP trong “một luật sửa 4 luật”, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ thúc đẩy cả chiều rộng và chiều sâu. “Ở chiều rộng là danh mục dự án PPP sẽ có thêm các lĩnh vực mới, như y tế chẳng hạn. Ở chiều sâu là xử lý được bài toán cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro của các nhà đầu tư” - ông Long nói.
Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Luật VILAF đánh giá, việc sửa một số luật đã giải quyết được nhiều vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án và quá trình thẩm định thực hiện dự án.