Khởi nghiệp xanh - Nơi kiến tạo những “Doanh nông trẻ”
Sự kiện do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp tổ chức.
Toàn cảnh Tọa đàm |
Giới thiệu về hành trình 10 năm chương trình Khởi nghiệp xanh, bà Vũ Kim Anh - Phó Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp – chia sẻ, chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo được diễn ra từ 2013 và kể từ năm 2023 được chuyển thành chương trình Khởi nghiệp xanh.
Bền bỉ 10 năm qua, chương trình Khởi nghiệp xanh đã tập trung vào các chương trình chính như huấn luyện – đào tạo, hội thảo – diễn đàn – toạ đàm, xúc tiến thị trường, truyền thông và nhiều hoạt động thực tế cho doanh nghiệp và bạn trẻ khởi nghiệp.
Trong đó, có các chương trình giao lưu, trải nghiệm tham quan học tập các mô hình khởi nghiệp thành công tại các địa phương; những bài học phát triển sản phẩm, phát triển kinh doanh, xây dựng vùng nguyên liệu…. Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 400 lớp tập huấn với khoảng 30.000 lượt thành viên tham dự với của hơn 50 lượt chuyên gia tham gia chia sẻ, hướng dẫn.
Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh là một trong những hoạt động trọng tâm của chương trình Khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp. Trong 9 năm qua, cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh đã có khoảng 1.000 chủ dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp cả nước tham gia và đã trở thành một hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp rộng khắp, năng động và sáng tạo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp khi tham gia cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh sẽ được tham gia Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, Phiên chợ Xanh Tử tế, các phiên chợ nông sản, phiên chợ khởi nghiệp...
Các Dự án đạt giải còn được tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, Hội chợ quốc tế như: Hội chợ Thực phẩm và Đồ uống được tổ chức định kỳ hàng năm tại Thái Lan (ThaiFex Anuga Asean); Hội chợ Asean – India; Hội chợ Sial Thượng Hải tại Trung Quốc… để tìm kiếm thị trường, tìm hiểu xu hướng sản phẩm mới của thế giới…
Cũng theo bà Vũ Kim Anh, những năm gần đây, chương trình Khởi nghiệp xanh bắt đầu các nội dung tập huấn theo những cấp độ, quá trình, kết quả thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp; Tập trung đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn HACCP, LocalGap, GlobalGap, ISO để tham gia xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Từ sân chơi này, chương trình Khởi nghiệp xanh đã và đang tạo ra một thế hệ những “Doanh nông trẻ”. Họ gắn với nông nghiệp, nông thôn, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa và nghiên cứu, sáng tạo để cho ra những sản phẩm mới độc đáo, có tính thương mại hóa trên thị trường.
“Ngoài việc để các bạn trẻ thường xuyên có không gian bán hàng ở Phiên chợ Xanh Tử tế vào hai ngày cuối tuần, chúng tôi cũng khuyến khích các dự án tham gia chương trình của các hệ thống siêu thị quốc tế ở Việt Nam, đặc biệt là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phối hợp với Central Group tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái từ 2017 đến nay, hay đưa hàng vào hệ thống Gigamall, Uniqlo …”, bà Vũ Kim Anh cho biết thêm.
Theo bà Nguyễn Cẩm Chi - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên (FYE), những gì Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp làm được trong 10 năm qua không phải chỉ tổ chức các cuộc thi, mà còn tạo ra các cơ hội để các bạn trẻ trải nghiệm và hoàn thiện doanh nghiệp của mình. “Từ năm nay, Quỹ hỗ trợ Phát triển Thanh niên sẽ hỗ trợ thêm các bạn trẻ khởi nghiệp xuất khẩu”, bà Nguyễn Cẩm Chi cho biết thêm.
Anh Lê Minh Cương – Giám đốc Công ty Spico chia sẻ về những kết quả sau khi dành được giải quán quân cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh năm 2021 |
Tại buổi tọa đàm, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đã chia sẻ những câu chuyện thú vị xoay quanh hành trình khởi nghiệp với nghề nông từ các tài nguyên bản địa.
Chị Lương Kim Chi - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Thanh (Lâm Đồng) đã chia sẻ về những dự định ấp ủ trong việc phát triển và nâng tầm hạt macca địa phương mình hướng tới thị trường xuất khẩu để bà con trồng macca có đầu ra bền vững và thoát nghèo.
Chị Sầm Thị Tình – Nghệ nhân dệt nhuộm tự nhiên bản Hoa Tiến – cho hay: “Thường xuyên tham dự các sự kiện của chương trình Khởi nghiệp xanh để trau dồi và học tập các kinh nghiệm từ các chuyên gia, các bạn đồng nghiệp để có thể tìm được hướng đi cho sản phẩm của mình”.
Còn theo anh Lê Minh Cương – Giám đốc Công ty Spico (chuyên dòng tương ớt lên men truyền thống, không phụ gia), tham dự cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh năm 2020 và 2021, và năm 2021 đã dành giải quán quân, nhờ cuộc thi này, trong cùng tháng được nhận giải, doanh số của doanh nghiệp đã tăng từ 200 – 250% do sản phẩm được nhiều người biết tới. Bên cạnh đó, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đã hỗ trợ Spico trong việc vận hành chuyên nghiệp hóa hơn. “Trước đó, doanh nghiệp vận hành theo quy mô nhỏ lẻ, sau cuộc thi, doanh nghiệp đã có sự cải tiến, và đến nay, doanh nghiệp đã đủ khả năng để đi ra thế giới”, anh Lê Minh Cương cho biết.
Để có được những thành quả của ngày hôm nay, các bạn trẻ khởi nghiệp cũng đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, có hạnh phúc, có đắng cay, nhưng trên tất cả đó là tinh thần kiên trì và vững chãi trong suốt hành trình khởi nghiệp của chính mình, vì chính quê hương và vì một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.
Tại buổi tọa đàm, Ban tổ chức cũng thông tin về cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9, năm 2023. Thời gian triển khai cuộc thi từ tháng 5/2023 đến cuối tháng 10/2023. Cuộc thi không hạn chế, không phân biệt giới tính, độ tuổi, vùng miền. Đồng thời, Ban tổ chức cũng thông tin về các hoạt động tập huấn hỗ trợ người tham gia cuộc thi hoàn thiện dự án kinh doanh khả thi.
Trước đó, ngày 31/5 tại TP. Hồ Chí Minh, Ban tổ chức đã phát động cuộc thi "Dự án Khởi nghiệp Xanh” lần thứ 9, năm 2023. Đến thời điểm hiện tại, đã có trên 60 dự án đến từ hơn 20 tỉnh, thành nộp hồ sơ tham gia dự thi.