Khởi nghiệp từ đồ da Handmade
Một góc Nun Café - đây là địa chỉ làm đồ da thủ công đầu tiên trong thành phố Vinh. |
Cà phê ở Nun (176 Nguyễn Thiếp- TP. Vinh) là địa chỉ làm đồ da thủ công đầu tiên trong thành phố Vinh. Ghé Nun lần nào tôi cũng gặp cảnh tượng quen thuộc: cả chủ cả nhân viên cặm cụi may vá, đục, gõ lục cục bên những chiếc bàn cũ bày đầy những mảnh da thuộc và dụng cụ.
Ông chủ của Nun- Nguyễn Hoài Đức thuộc thế hệ 9X từng là một kỹ sư công nghệ thông tin của FPT. Chiếc túi handmade tặng người yêu là “bà mối” giúp Đức biết đến nghề làm đồ da. Nghề đồ da thủ công khá mới mẻ ở Việt Nam, tư liệu tiếng Việt không nhiều, diễn đàn về nghề vẫn còn nhỏ lẻ, nhưng ở các quốc gia phương Tây, nghề này có lịch sử hàng nghìn năm với kho tư liệu, dữ liệu, clip hướng dẫn... cực kỳ đầy đủ và phong phú. Đức học nghề từ đó. Sau 3 năm rẽ sang lĩnh vực công phu, tỉ mẩn này, tiêu chí “làm đến cùng” đã giúp Đức tìm được thị trường riêng cho mình và có chỗ đứng trong lòng những khách hàng khó tính nhất.
Đức chia sẻ, một sản phẩm da cần trải qua rất nhiều công đoạn trước khi đến tay khách hàng. Tận mắt chứng kiến từng công đoạn, kỹ thuật làm đồ da thủ công, tôi tự thấy, yêu thôi chưa đủ, nếu không phải là người kiên trì thì bạn không thể đến với nghề này!
Thiết kế có thể xem là giai đoạn “thai nghén ý tưởng” cho bất cứ sản phẩm đồ da thủ công nào. Đây là công đoạn quyết định sản phẩm sẽ sử dụng loại da nào trong hàng trăm loại da, sẽ chọn kiểu dáng nào trong vô vàn kiểu dáng. Hoặc cũng có thể đó là bản phác thảo lần đầu tiên được nhìn thấy, là chất xám, là sáng tạo của khách hàng và người thợ.
Để làm ra một sản phẩm theo đúng thiết kế, những người thợ mới vào nghề phải làm thử trước bằng giấy với độ chính xác đến mm. Sau khi hoàn chỉnh maket, họ dựa vào bản mẫu để đo và cắt da. Bằng đam mê và sự kiên trì, Đức đã làm ra những sản phẩm đồ da thủ công được nhiều người yêu thích
Tấm da được cắt có đẹp hay không, cách cắt có hợp lý, tiết kiệm hay không cũng thể hiện sự lành nghề của người thợ. Với những sản phẩm có form cứng cáp thì có thêm công đoạn độn da, với những sản phẩm làm bằng da mộc không màu thì cần phải nhuộm màu trước khi ráp lại bằng keo.
Sau khi thử qua nhiều kỹ thuật nhuộm màu, Đức thích sử dụng một loại mút dùng trong trang điểm để dậm màu cho da. Cách làm này giúp da lên màu một cách tự nhiên, dễ phối, trộn nhiều màu hơn. Đức cũng là người trực tiếp điêu khắc, vẽ trên da theo yêu cầu của khách. Thao tác này đòi hỏi người thợ lành nghề phải có chút năng khiếu về thẩm mỹ và hội họa. Một tác phẩm điêu khắc da đẹp là khi nét vẽ, màu sắc hài hòa, độ chìm nổi của da tạo hiệu ứng khối một cách sống động.
Để trở thành một người thợ lành nghề, Đức cũng phải trả “học phí” đó là hàng chục chiếc túi, ví da, thắt lưng không đạt yêu cầu, là những tấm da tiền triệu bị hư hỏng vì bảo quản sai cách... Chia sẻ về chặng đường đã đi qua, Đức trải lòng: “Em cảm thấy mình may mắn vì đã đã tìm thấy đam mê của mình. Công việc này cho phép em được sống một cuộc đời ý nghĩa, đúng với cá tính và được tận hưởng niềm hạnh phúc khi làm ra cái đẹp”.
Với Đức, thiết kế có thể xem là giai đoạn “thai nghén ý tưởng” cho bất cứ sản phẩm đồ da thủ công nào. |
Hạnh phúc đó là có thật. Cái cách mà những người thợ đắm đuối, nâng niu ngắm nghía sản phẩm của mình sau khi hoàn thành, cách họ nâng niu, chụp ảnh lại từng góc cạnh sản phẩm. Cùng với nhu cầu của khách, sản phẩm đồ da ngày càng đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Ngoài túi xách và ví, xưởng của Đức còn nhận làm thắt lưng, móc khóa, vỏ điện thoại, quai đồng hồ, dây đeo máy ảnh... Ngoài giá trị vật chất và tính ứng dụng, loại hàng hoá này còn mang một giá trị tinh thần không thể đong đếm.
Phía sau mỗi món đồ da thật được làm thủ công là một cá tính, một tâm hồn và nhiều câu chuyện. Câu chuyện về tấm da, của người thợ và của người đặt làm. Không ai giống ai, không chiếc nào giống chiếc nào.
Vì tất cả những lý do đó, đồ da thủ công được xếp vào danh sách những món đồ “xa xỉ” vì giá thành từ vài trăm đến cả chục triệu đồng cho một sản phẩm. Được làm bởi những bàn tay chai sạn, những tâm hồn mộc mạc, phóng khoáng, những đồ da thủ công mang lại đem lại sự đẳng cấp, phong cách và độ chịu chơi cho người sử dụng. Nững món đồ độc bản như vậy, chắc hẳn trong chúng ta ai cũng muốn sở hữu.