Thứ bảy 28/12/2024 01:56

Khơi dậy khí thế kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới đã cho thấy, vị thế, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân...

Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới đã cho thấy, vị thế, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục có những giải pháp, chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn hơn nữa, qua đó phục hồi niềm tin và khơi dậy khí thế kinh doanh cho doanh nghiệp, doanh nhân.

Công nhân Công ty LADODA may túi, cặp da. (Ảnh Đức Anh)

Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những kỳ vọng của doanh nghiệp, doanh nhân trong năm 2024.

Phóng viên: Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều biến động đã khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Theo đồng chí, trong năm 2024, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương cần làm gì để có một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn hơn?

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Trải qua hơn ba năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, có thể khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua được "con sóng dữ" một cách ngoạn mục. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 430 tỷ USD, tăng trưởng 5,05%, tuy thấp hơn mục tiêu từ 6-6,5% theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã được Quốc hội thông qua, nhưng vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, trong năm 2024, chúng ta cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kỷ luật tài chính công, cải cách mạnh mẽ thị trường vốn theo hướng minh bạch, chống các hành vi thao túng, lừa đảo, giao dịch nội gián,…

Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả và nhanh chóng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vì năm 2024 doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn, khơi thông dòng chảy vốn qua kênh ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu mà những tháng gần đây Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rất cố gắng thực hiện. Đồng thời, cần thúc đẩy các giải pháp cải cách thể chế như ban hành Luật Đất đai có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn kinh doanh; tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ ở mọi ngành, mọi cấp; tiếp tục tiến hành chương trình cắt giảm các quy định đang cản trở hoạt động kinh doanh một cách thực chất hơn; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính; chuyển mạnh quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm ở hầu hết các lĩnh vực; thúc đẩy áp dụng quản lý theo hình thức rủi ro.

Phóng viên: Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tuy nhiên, thời gian qua không ít doanh nghiệp phản ánh có hiện tượng lạm dụng ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam cao hơn cả quy chuẩn của những nước phát triển. Điều này khiến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp tăng cao, vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp,... Vậy đồng chí đánh giá như thế nào về vấn đề này và Chính phủ cùng các bộ, ngành cần làm gì để "giữ lửa" cho đà cải cách?

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Năm 2023 cũng như nhiều năm trước, việc hoàn thiện thể chế và tăng cường chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm. Trong năm 2023, nhiều đạo luật lớn liên quan doanh nghiệp đã được sửa đổi như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông,… Thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành thông tư, ban hành quy chuẩn kỹ thuật nhưng chất lượng các quy chuẩn kỹ thuật tương đối thấp, thể hiện ở một số vấn đề. Do đó, để nâng cao chất lượng pháp luật và tính dự đoán của pháp luật, các cơ quan soạn thảo trước khi ban hành cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, đặc biệt đối với các thông tư, các quy hoạch, kế hoạch.

Đặc biệt, nguyên tắc không hồi tố phải được áp dụng rộng rãi hơn, nhất là với dự án đầu tư và công trình xây dựng đã được bắt đầu trước khi có quy định mới. Các quy định theo hướng tăng nặng nghĩa vụ của doanh nghiệp cần có lộ trình thực hiện kéo dài hơn, thay vì mức chỉ 45 ngày như quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. VCCI đề xuất nên bãi bỏ dần các quy định về thời hạn của các loại giấy phép con, vì nếu doanh nghiệp vi phạm thì đã có biện pháp tước giấy phép. Đồng thời, nên áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để giảm sự tùy tiện khi thi hành pháp luật. Chất lượng pháp luật rất quan trọng nhưng đi kèm với đó là phải bảo đảm việc thực thi pháp luật. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng hiện nay.

Về kỳ vọng của doanh nghiệp trong năm 2024, mong muốn Chính phủ sẽ có những giải pháp chính sách nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh không những thuận lợi mà còn phải an toàn, qua đó phục hồi niềm tin và khí thế kinh doanh cho doanh nhân, doanh nghiệp.

Phóng viên: Đảng và Nhà nước ta từ lâu luôn xem doanh nghiệp, doanh nhân là tài sản quốc gia. Cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp lớn mạnh thì xã hội lành mạnh và đất nước hùng cường. Vậy theo đồng chí, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cần phải làm gì để phát triển hơn nữa, đạt yêu cầu cả về lượng và chất lượng trong bối cảnh mới theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, cũng như để cụ thể hóa Nghị quyết số 41-NQ/TW?

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Có thể khẳng định, khu vực doanh nghiệp có nhiều đóng góp to lớn cho nền kinh tế khi đóng góp hơn 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho khoảng 30% số lao động. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã tạo dựng được uy tín, khẳng định giá trị thương hiệu quốc gia vươn tầm ra khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu mà Nghị quyết số 41-NQ/TW đã đề ra, bản thân đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc.

Đồng thời, doanh nghiệp cần thực hành chuẩn mực đạo đức, xây dựng văn hóa kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhằm tạo ra cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết, phối hợp hoạt động với công nhân, nông dân, trí thức và các giai tầng xã hội khác trong và ngoài nước để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự phát triển chung của đất nước. Với những chuyển biến mạnh mẽ từ sự quyết liệt, đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ và các cấp chính quyền trong thời gian qua, tin chắc rằng năm 2024 sẽ là năm bản lề, tạo sự phục hồi và phát triển đối với doanh nghiệp cả về hoạt động kinh doanh và niềm tin thị trường.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo nhandan.vn
Bài viết cùng chủ đề: Doanh nghiệp Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng

Thời điểm 'hội tụ' để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng: Không 'đẽo cày giữa đường' khi làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khẩn trương tái cơ cấu, tạo 'sức sống mới' cho ngân hàng VDB

Thủ tướng: Kiên quyết thu hồi đất đối với doanh nghiệp nhà nước sử dụng không đúng mục đích

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đại sứ các nước trình quốc thư

Bộ Công an: Gương mẫu đi đầu, tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an các cấp

Chủ tịch nước: Quán triệt nghiêm Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Bảo đảm an ninh trật tự, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80

Thủ tướng: Thể chế phải đi trước, mở đường cho những đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đồng chủ trì Phiên họp rà soát các hoạt động trong khuôn khổ AZEC

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc

Bộ Nội vụ Campuchia mong Việt Nam tăng cường hỗ trợ ngành cơ yếu

Đại biểu Quốc hội: Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu là giải pháp thiết thực

Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, thúc đẩy đàm phán FTA/CEPA với Qatar và Saudi Arabia

Phát triển khoa học - công nghệ: Đột phá quan trọng để Việt Nam giàu mạnh

Kéo dài thời điểm thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Đại sứ Australia khẳng định tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế dứt điểm việc chậm cấp đăng ký lưu hành thuốc