Thứ ba 26/11/2024 19:00

Khánh Hòa phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD

Tỉnh Khánh Hòa phấn đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 bình quân khoảng 6–7%.

Ngày 10/5, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã có Kế hoạch hành động thực hiện "Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa", theo đó định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Khánh Hòa phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD. Ảnh: SVP

Hướng đến cán cân thương mại lành mạnh

Theo Kế hoạch, tỉnh Khánh Hòa đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,0 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 bình quân khoảng 6–7%; duy trì cán cân thương mại thặng dư, hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giai đoạn 2021 – 2030 thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cùng giai đoạn.

Cùng với đó, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu; thu hút đầu tư xây dựng trung tâm logistics, hạ tầng giao thông phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu, đầu tư xây dựng kho lạnh cho hàng nông sản, thủy sản, phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản chế biến; đẩy mạnh việc triển khai, áp dụng hoạt động truy xuất nguồn gốc nông, thuỷ sản xuất khẩu.

Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu đối với các sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 5 sao của tỉnh, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, các sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, các sản phẩm của tỉnh được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi.

Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa đề ra nhiệm vụ tận dụng tốt cơ hội đem lại trong các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm từng bước chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN...; đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông,…

Định hướng chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Theo đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ định hướng phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Đặc biệt, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tỉnh Khánh Hòa định hướng phát triển sản phẩm xuất khẩu theo từng nhóm hàng. Trong đó, về nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, địa phương sẽ nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm thủy sản, nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản tỉnh Khánh Hòa, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, chủ động thích ứng và vượt qua các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường nước ngoài.

Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng các phương thức hiện đại, phù hợp với định hướng chuyển đổi số, kinh tế số, khai thác hiệu quả Sàn thương mại điện tử tỉnh, phối hợp với Bộ Công Thương liên kết với các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia đối với các sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 5 sao của tỉnh, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, các sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, các sản phẩm của tỉnh được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh.

Về nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh Khánh Hòa hướng tới gia tăng hàm lượng giá trị nội địa trong hàng hóa xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu; tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện môi trường.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động xuất khẩu; ưu tiên phát triển các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước, trong tỉnh liên kết với người nông dân tạo sản phẩm xuất khẩu trong lĩnh vực nông sản; Thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kho lạnh bảo quản hàng nông sản, đầu tư dịch vụ logistics, hạ tầng giao thông phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu.

5 nhiệm vụ chính trong chiến lược

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng, để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai các nhiệm vụ, đó là: Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm, bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Đồng thời, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại, quản lý và kiểm soát nhập khẩu và hướng tới thương mại công bằng; Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu; Nâng cao vai trò của Hội, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Trong phát triển sản xuất công nghiệp, tỉnh Khánh Hòa sẽ đề xuất với Bộ Công Thương lựa chọn một số ngành hàng tiềm năng của tỉnh để tham gia Đề án phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu một số ngành hàng có tiềm năng.

Cùng với đó, về việc phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu - Xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”, địa phương sẽ tăng cường phối hợp với các Thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (thông qua Sở Ngoại vụ) tổ chức gặp gỡ, kết nối cung cầu xuất khẩu, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng hóa Việt Nam ở ngước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp địa phương...

Theo Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu được 877,8 triệu USD triệu USD; trong đó, xuất khẩu ước được 532,8 triệu USD, nhập khẩu 345 triệu USD.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm 21,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu giảm 44,86% nhưng xuất khẩu tăng 7,56%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh Khánh Hòa xuất siêu được 187,8 triệu USD, bằng 35,25% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong tổng xuất siêu 4 tháng đầu năm 2023, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 69,2 triệu USD; khu vực kinh tế trong nước xuất siêu 118,6 triệu USD.

Trong đó, một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 tăng so cùng kỳ năm trước như cà phê, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng…

Đức Thảo
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Khánh Hòa

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh

Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách

Quảng Ninh quyết tâm cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Bình Dương

Hải Phòng: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế

Quảng Ninh: Tập trung thúc đẩy đầu tư công, tạo nguồn lực cho phát triển

Thanh Hóa thu ngân sách năm 2024 đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ

Khai mạc Tuần lễ nông sản và thực phẩm an toàn tỉnh Sơn La tại Hà Nội

Quảng Ninh: Vươn tầm trung tâm logistics hàng đầu miền Bắc

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Lạng Sơn: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

25 sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2024

Sơn La: Sản xuất công nghiệp tiếp tục là 'đầu tàu' trong tăng trưởng kinh tế

TP. Uông Bí (Quảng Ninh): Nỗ lực vượt khó, đảm bảo tiến độ thu ngân sách năm 2024

Bà Rịa - Vũng Tàu: Cơ chế ‘cảng mở’ giúp Cái Mép – Thị Vải có thêm trợ lực phát triển