Thứ sáu 08/11/2024 17:31

Khám phá tọa độ “sống ảo” mới nổi, đồi cỏ cháy cách Hà Nội 135km

Cách Hà Nội khoảng 135km về phía đông, đồi Phượng Hoàng (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) trở thành toạ độ “sống ảo” thu hút nhiều du khách tìm tới.

Vào mùa “thay áo”, khu vực đồi cỏ trên đỉnh Phượng Hoàng (hay còn gọi là núi Ba Tầng, thuộc bản 12 Khe, phường Bắc Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) chuyển sang màu vàng rực và được tô điểm bởi những cây thông lùn màu xanh, tạo khung cảnh nên thơ hấp dẫn du khách tới khám phá.

Nếu như vào những độ xuân, hè (khoảng từ tháng 3 đến tháng 8), đồi Phượng Hoàng nổi bật với sắc cỏ xanh tươi mát, đầy sức sống thì từ tháng 10-11 đến tháng 1 năm sau, nơi đây lại “khoác” lên mình lớp áo màu vàng cháy, sáng rực cả một vùng.

Khung cảnh nên thơ của đồi Phượng Hoàng mùa cỏ xanh

Đồi Phượng Hoàng mỗi mùa lại có một nét đẹp riêng xong hút khách tham quan nhất vào dịp thu, đông, khi đồng cỏ chuyển sang màu vàng cháy làm nổi bật lên những cây thông màu xanh, tạo nên khung cảnh đẹp chẳng kém những đồng cỏ hoang dã ở châu Phi mà du khách vốn chỉ thấy qua phim ảnh.

Ngọn đồi này có độ cao gần 500m. Du khách di chuyển từ thành phố Uông Bí tới phường Bắc Sơn khoảng 8km rồi leo bộ từ chân đồi lên đến đỉnh khoảng 30 phút. Ngoài xe máy là phương tiện thuận tiện nhất, du khách có thể sử dụng ô tô.

Nằm trong thành phố Uông Bí sôi động, đồi Phượng Hoàng như một vùng đất bị bỏ quên bởi vẻ đẹp hoang sơ, tách biệt khỏi sự ồn ào, náo nhiệt và khói bụi bên ngoài

Từ chân đồi, du khách phải leo bộ một quãng đường khá dốc và gập ghềnh rồi mới tới được đỉnh. Bởi vậy, nơi đây thích hợp với những ai mê xê dịch, thích vận động, leo núi,... Du khách cần chọn trang phục gọn nhẹ, phù hợp để thuận tiện cho quá trình chinh phục đỉnh Phượng Hoàng.

Mặc dù có chút nhọc nhằn để lên tới đỉnh đồi nhưng dọc đường đi, du khách sẽ được bù đắp xứng đáng khi có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây.

Đường đi từ chân đồi lên đỉnh trồng nhiều cây thông khiến du khách liên tưởng tới Đà Lạt

Nếu không quen vận động, du khách cũng có thể di chuyển bằng xe máy để tiếp cận đỉnh đồi song đòi hỏi người lái phải chắc tay, quen với địa hình đồi núi. Một cách khác là bạn thuê người bản địa chở lên khu vực ngắm cảnh đồng cỏ để an tâm hơn mà không tốn quá nhiều sức.

Đồi Phượng Hoàng (Quảng Ninh) được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp, cánh rừng thông bạt ngàn cùng trảng cỏ xanh trải dài bất tận

Theo Huy Khang (ở Quảng Ninh) - người trải nghiệm cho biết, đồi cỏ cháy Phượng Hoàng là điểm đến thích hợp cho nhiều hoạt động ngoài trời như dã ngoại, chụp hình, cắm trại,... Nếu muốn có những bức ảnh thật đẹp ở đây, du khách nên ghé thăm vào khoảng thời gian từ 6-9h sáng hoặc 2-5 giờ chiều và chọn các trang phục có tông màu nâu be, đen đỏ hoặc vàng, trắng. Nếu leo bộ lên đỉnh đồi, du khách cần di chuyển tới đây sớm hơn một chút để kịp bắt trọn khoảnh khắc lãng mạn lúc bình minh hay hoàng hôn.

Ngọn đồi Phượng Hoàng là điểm đến “sống ảo” mới nổi, cảnh quan vẫn còn nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ, an yên nên du khách đến đây cần lưu ý giữ gìn và bảo vệ môi trường, không vứt rác xuống đồng cỏ.

Hà Hương
Bài viết cùng chủ đề: Du lịch

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Bình Thuận và lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững

Cần Thơ: Đánh thức tiềm năng du lịch từ ‘Tinh hoa miền sông nước’

Sắp diễn ra Festival “Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa” 2024

Tuần văn hóa, du lịch tỉnh Hòa Bình sẽ diễn ra từ ngày 15 - 23/11/2024

Đất Thép Farm - nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại

Dinh Bảo Đại tại TP. Đà Lạt xuống cấp nghiêm trọng sau hơn 6 tháng dừng đón khách

Ngày Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô ở Gia Lai diễn ra sôi nổi, hấp dẫn

Tây Ninh: Đón hơn 4,6 triệu lượt khách du lịch trong 10 tháng đầu năm

Khai mạc Hội thảo Chuyển đổi số về marketing - thanh toán ngành du lịch tại Quảng Bình

Tháng 10, TP. Hồ Chí Minh thu hút hơn 4,1 triệu lượt khách du lịch, doanh thu 16.251 tỷ đồng

Gen Z đi du lịch chỉ để ngủ và xu hướng thanh lọc, chữa lành bản thân

Lâm Đồng: Festival hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 diễn ra trong thời gian 1 tháng

Gia Lai đề nghị tăng chuyến bay phục vụ Tuần lễ hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024

Lâm Đồng: 4 giải pháp phát triển du lịch chất lượng cao và bền vững

Tam Đảo ra mắt sản phẩm du lịch – 'Dấu ấn mùa đông'

Vĩnh Phúc: Lần đầu tiên diễn ra sự kiện Festival Đại Lải

Thừa Thiên Huế: Độc đáo của các lăng vua triều Nguyễn

Bà Rịa – Vũng Tàu tung nhiều gói kích cầu du lịch dịp cuối năm

Lạng Sơn: Phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, mang dấu ấn đặc trưng riêng

Lào Cai: Cho phép huyện Bát Xát sử dụng địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm du lịch