Khai phá tiềm năng, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Áo
Áo luôn đứng trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Trao đổi thương mại năm 2021 đạt 3,36 tỷ USD, năm 2022 giảm nhẹ còn 2,8 tỷ USD do những tác động về chính trị và kinh tế ở châu Âu và toàn cầu. Tuy nhiên, đầu tư của Áo vào Việt Nam còn khiêm tốn. Áo hiện đứng thứ 41/108 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 43 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 148,59 triệu USD.
Hai bên Áo và Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà Áo có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như chế tạo máy, công nghệ cao, năng lượng, thương mại điện tử… Hai bên cũng có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số và kinh tế xanh.
Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên cho rằng, Việt Nam xuất siêu sang Áo chủ yếu là hàng điện tử. Nếu nhìn sâu vấn đề này có một điều rất thú vị, đó là Áo không phải là nước sử dụng các sản phẩm điện tử như điện thoại, máy tính nhập từ Việt Nam sang mà là nước phân phối lại các mặt hàng này trên thị trường thế giới và châu Âu. Như vậy, thông qua Áo, các thiết bị điện tử từ các hãng như Samsung, Intel sản xuất từ Việt Nam đến được với rất nhiều thị trường.
Thông tin về vấn đề này, Đại sứ Cộng hòa Áo tại Việt Nam Hans-Peter Glanzer cho biết, Áo có thể hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp, hỗ trợ kinh tế xanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển cơ sở hạ tầng công cộng, trong đó có lĩnh vực y tế. Có rất nhiều cơ hội và tiềm năng.
"Ở chiều ngược lại, chúng tôi cũng nhận thấy những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tại Áo và đầu tư từ Việt Nam vào Áo. Áo nằm ở vị trí trung tâm của châu Âu. Do đó có thể trở thành bệ phóng để tiếp cận các khu vực khác tại châu lục này" - Đại sứ Hans-Peter Glanzer cho hay.
Khai phá tiềm năng, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Áo, đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản |
Có thể thấy kim ngạch thương mại của Việt Nam với Áo hiện nay khá lành mạnh và điều chúng ta muốn đẩy mạnh hơn nữa là xuất khẩu nông sản và đẩy nhập khẩu công nghệ mới của Áo để giúp các ngành sản xuất trong nước Việt Nam phát triển hơn nữa, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng - Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên cho hay và nhấn mạnh rằng: "Nếu như chúng ta trước đây chỉ xuất thô, xuất nguyên liệu thì bây giờ cần hàm lượng công nghệ từ Áo để nâng cấp các sản phẩm trong nước, xuất khẩu những sản phẩm cuối, mang lại nhiều lợi nhuận cho Việt Nam hơn nữa. Đây chính là ưu tiên thúc đẩy hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Áo. Một lĩnh vực mong muốn thúc đẩy lâu dài khác giữa hai nước là thúc đẩy hợp tác giữa địa phương, điều này sẽ mang lại những thành quả cụ thể từ doanh nghiệp".
Theo đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu nông sản và đẩy nhập khẩu công nghệ mới của Áo để giúp các ngành sản xuất trong nước phát triển hơn nữa, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng.
Được biết, sắp tới Bộ Kinh tế và Lao động Áo sẽ trình Chính phủ Áo nghị quyết về việc trình Quốc hội Áo phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA). "Đây là một tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp hai nước và tôi hy vọng rằng Hiệp định này sớm được Quốc hội tất cả các nước thành viên EU thông qua nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hợp tác đầu tư song phương, bên cạnh việc tiếp tục khai thác tối đa những tác động tích cực mà EVFTA mang lại" - Đại sứ Nguyễn Trung Kiên kỳ vọng.
Về các mặt hàng nông sản, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên đánh giá, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều loại hoa thơm quả ngọt. Các sản phẩm nông nghiệp nói chung và hoa quả nói riêng của Việt Nam có chất lượng không thua kém, thậm chí còn ngon hơn một số quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, điểm yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam nằm ở khâu chế biến. Nhiều loại quả như xoài, vải hay na không được xử lý khéo nên không bảo quản được lâu, chất lượng chưa đồng đều nên tỷ lệ hỏng rất cao. Theo ngài Đại sứ, sắp tới Đại sứ quán Việt Nam tại Áo sẽ thí điểm tổ chức một chương trình du lịch doanh nghiệp nhằm đưa các đoàn doanh nghiệp của Việt Nam thăm Áo theo một chủ đề nhất định và thành phần tham gia hạn chế để bảo đảm hiệu quả và chi phí cho cả hai bên, dự kiến bắt đầu với lĩnh vực nông nghiệp.
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho rằng, đặt Áo trong bối cảnh của cả châu Âu, và khi EVFTA giúp Việt Nam nhìn nhận châu Âu như một thị trường thống nhất. Việc nghiên cứu thị hiếu, hệ thống pháp luật, các kênh phân phối của Áo có thể giúp Việt Nam có chiến lược dài hơi đưa nông sản nói chung và hoa quả nói riêng, kể cả hoa quả đã chế biến và hoa quả tươi vào Áo.
Mặt khác, Việt Nam có thể khai thác những cảng lớn của châu Âu như Rotterdam, Hamburg và sắp tới là cảng Koper của Slovenia. Đại sứ khuyến nghị, cần quan tâm đến hệ thống logistics để làm bến đỗ cho sản phẩm của Việt Nam trước khi có kênh phân phối để bảo đảm về chất lượng, giữ vững uy tín.
Đơn cử, về quả vải, cần có giải pháp để đưa sang Áo những sản phẩm tươi ngon, đảm bảo chất lượng nhất, đa dạng thể loại như vải tươi, vải đóng hộp, “gài” vào các sản phẩm khác như chocolate… Áo là một trong những thị trường khó tính và sáng tạo, điều này sẽ giúp cho ta có được những đối tác, đầu mối tốt để mà đưa nông sản vào thị trường này.
Bên cạnh đó, Áo là một trong những nước đi đầu trong vấn đề bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn mà Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi - Đại sứ nhấn mạnh.
Sáng nay 23/7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân Phan Thị Thanh Tâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm chính thức Cộng hoà Áo, thăm cấp Nhà nước Cộng hoà Italy và thăm Toà thánh Vatican. Chuyến thăm từ ngày 23-28/7 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân diễn ra theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Áo Alexander Van Dar Bellen, Tổng thống Cộng hòa Italy Sergio Mattarella và Giáo hoàng Francis. Đây là chuyến thăm Áo đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam trong 15 năm qua và là hoạt động trao đổi đoàn cấp Nguyên thủ quốc gia đầu tiên giữa Việt Nam với Italy và Vatican trong 7 năm qua, cũng là điểm nhấn quan trọng nhất nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy. |