Khai mạc triển lãm văn hóa Đông Sơn
- Triển lãm “Văn hóa Đông Sơn” là hoạt động nhằm giới thiệu những sưu tập hiện vật, di vật đặc sắc của cư dân Đông Sơn mới được phát hiện trong thời qua tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Các hiện vật đa dạng tại triển lãm được thể hiện theo loại hình sưu tập hiện vật, chủ yếu là các hiện vật tiêu biểu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và các bảo tàng Hà Nội, Hưng Yên, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái như: trống đồng, công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc cụ, đồ trang sức, đồ minh khí…
Văn hóa Đông Sơn được phát hiện ngẫu nhiên vào năm 1924 bên bờ sông Mã thuộc làng Đông Sơn, cách cầu Hàm Rồng 1km về phía Nam tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1934, thuật ngữ “Văn hóa Đông Sơn” chính thức được định danh. Cho đến nay, trên 200 di tích thuộc văn hóa Đông Sơn đã được phát hiện ở nước ta, chủ yếu phân bố ở 3 lưu vực sông chính thuộc các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, đó là sông Hồng, sông Mã và sông Cả; tồn tại trong khung thời gian từ cuối thiên niên kỷ I trước Công Nguyên đến thế kỷ 2 sau Công Nguyên.
Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Đoàn- nhấn mạnh, kể từ khi phát hiện đến nay, văn hóa Đông Sơn đã có một chặng đường lịch sử nghiên cứu 90 năm. Hàng trăm di tích, hàng nghìn di vật được phát hiện cho thấy văn hóa Đông Sơn có một vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc, là cơ sở vật chất cho việc hình thành nhà nước đầu tiên Văn Lang- Âu Lạc, là nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ cũng như văn minh Đại Việt sau này.
Triển lãm kéo dài từ nay đến tháng 4/2015.
Hoa Quỳnh