Khai mạc Diễn đàn kinh tế mới Việt Nam 2024
Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam lần thứ 2 (Vietnam New Economy Forum 2024) với chủ đề: “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy Vietnam Economic Times chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Tham dự Diễn đàn có đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các đại sứ quán, các hiệp hội doanh nghiệp và hơn 300 lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.
Khai mạc Diễn đàn kinh tế mới Việt Nam 2024. Ảnh: Hải Linh |
Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, hướng tới net-zero là xu thế gắn kết tất yếu của thời đại mới, là cơ hội để các quốc gia, các nền kinh tế tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các khu vực, thúc đẩy đạt được các mục tiêu thịnh vượng và bền vững.
Gần 10 năm trước, Việt Nam đã tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và nhận thức đây sẽ là cơ hội quan trọng để Việt Nam thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trên toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đã đạt được những thành tựu ấn tượng, được ghi nhận và đánh giá trên cả bình diện khu vực và quốc tế. Việt Nam liên tiếp tăng bậc trong xếp loại chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đáng chú ý trong năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới gồm chỉ số nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam được đánh giá nhanh nhất Đông Nam Á, dự báo đến năm 2025, kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 20% GDP.
Song hành với cuộc cách mạng công nghiệp số, cuộc cách mạng công nghiệp xanh cũng đang tạo những áp lực và động lực cạnh tranh, phát triển giữa các quốc gia, các nền kinh tế và doanh nghiệp. Theo đó, xu thế chuyển đổi số thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững là tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Điều này đặt ra cho mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp phải hoạch định những bước đi chiến lược nhằm phát huy tính đột phá và tính cơ hội của hai cuộc cách mạng này cho mục tiêu tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Đây là yếu tố sống còn, là năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế và doanh nghiệp.
Vận hội và cơ hội mới đang mở ra cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, phát huy tinh thần dân tộc, sức mạnh tự chủ, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, kiến tạo những giá trị bứt phá và vững bền. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tiếp tục là công cụ, phương tiện thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, tuần hoàn và bền vững, là động lực tạo đột phá chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.
Diễn đàn thường niên lần thứ 2 – Vietnam New Economy Forum 2024 với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp” được cấu trúc thành 2 phiên chính (bên cạnh phiên khai mạc), gồm: Phiên tham luận và phiên thảo luận.
Phiên tham luận với chủ đề: “Khởi tạo nền kinh tế mới và vai trò của doanh nghiệp trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh” sẽ nhận diện và đánh giá các yếu tố mới, có tính thời đại từ cuộc cách mạng công nghiệp số và công nghiệp xanh, có khả năng tạo ra bước chuyển có tính cách mạng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế. Một nền kinh tế mới, một kỷ nguyên phát triển mới sẽ được kiến tạo từ chính khả năng tạo ra sự đột phá trong ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của các cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế. Do đó, thông qua thực tiễn hoạt đông chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, sẽ khái quát các vấn đề chính yếu và đặt ra các vấn đề mới đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của bối cảnh. Nguồn lực tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình thực thi, tốc độ thực thi của các doanh nghiệp, các địa phương, các nền kinh tế.
Trên cơ sở thông tin từ phiên tham luận, phiên thảo luận sẽ phân tích, đánh giá: Thực trạng ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong các khu vực doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam trong mối tương quan với xu thế triển khai chuyển đổi số - chuyển đổi xanh trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Xu thế tất yếu số - xanh mở ra các cơ hội kinh doanh mới và thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới như thế nào?
Đánh giá các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam, từ đó đề xuất các cơ chế chính sách có tính bứt phá hơn nhằm tạo bước chuyển có tính cách mạng cho phát triển kinh tế Việt Nam.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần đạt mức tối thiểu từ 6-6,5% liên tục trong vòng 20 năm tới đây. Điều này cần sự đột phá trong cải cách, cơ chế chính sách nhằm tạo nền tảng, động lực mới, từ đó mới có thể phát huy tính vượt trội của các mô hình kinh tế mới đồng thời thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.