Thứ ba 19/11/2024 12:29

Khắc phục tính hình thức, chưa thực chất trong phong trào thi đua

Theo đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian qua, đồng thời, khắc phục tính hình thức, chưa thực chất trong một số phong trào thi đua.

5 cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, ngày 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn Bắc Kạn nhận định, dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở và không chỉ phạm vi trong bộ máy nhà nước mà bao gồm cả bên ngoài nhà nước. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất công phu, nghiêm túc, bài bản trong quá trình xây dựng luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, thảo luận tại hội trường Diên Hồng

Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, dự thảo luật có rất nhiều nội dung đổi mới và rất tiến bộ, đặc biệt là dự thảo luật đã hướng nhiều đến cơ sở, chú trọng khen thưởng cho những tập thể nhỏ, cho những người trực tiếp lao động.

“Đặc biệt dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian qua nhằm khắc phục tính hình thức, tính chưa thực chất trong một số phong trào thi đua trong thời gian vừa qua” - bà Thủy nhấn mạnh.

Đánh giá cụ thể 5 cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng được thể hiện trong dự thảo luật, đại biểu Đoàn Bắc Kạn nêu, thứ nhất, về hồ sơ xét khen thưởng. Luật hiện hành quy định có rất nhiều tài liệu cũng như báo cáo thành tích trong hồ sơ xét khen thưởng.

Thực tiễn vừa qua, để thực hiện đầy đủ quy định của luật, không chỉ những người được xét khen thưởng phải tập trung nhiều thời gian để thu thập cũng như hệ thống lại quá trình công tác mà ngay cả những cơ quan, tổ chức cũng phải tổ chức xét họp nhiều lần, dẫn tới rườm rà về thủ tục và tốn rất nhiều thời gian.

“Dự thảo luật đã khắc phục việc này bằng cách giảm bớt thủ tục, giảm bớt các thành phần trong hồ sơ xét khen thưởng. Đồng thời, đối với báo cáo thành tích chỉ yêu cầu tóm tắt nhất có thể, bởi vì thành tích thực tế đã được tập thể công nhận và tôn vinh” - bà Thủy đánh giá.

Thứ hai, về số lượng hồ sơ phải gửi tới các cơ quan có thẩm quyền. Luật hiện hành quy định đối với những hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước phải gửi 3 bộ hồ sơ bản chính. Đối với những thẩm quyền thuộc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì phải gửi 2 bộ hồ sơ bản chính.

Dự thảo luật đã cải tiến việc này bằng việc quy định tất cả những hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chỉ phải gửi duy nhất một bộ tới cơ quan chuyên môn để phục vụ cho việc thẩm định cũng như để lưu trữ sau này.

“Chúng tôi nhận thấy với việc giảm bớt số lượng hồ sơ phải gửi tới các cơ quan có thẩm quyền như vậy thì sẽ tiết kiệm rất nhiều cho Nhà nước, cho xã hội cũng như cho người được xét khen thưởng, bao gồm cả ở khía cạnh về thời gian, cũng như về chi phí” - đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Kạn cho hay.

Thứ ba, về việc mở rộng các trường hợp được xét khen thưởng theo hình thức đơn giản. Luật hiện hành quy định có 3 trường hợp được xét khen thưởng theo hình thức đơn giản. Dự thảo luật đã cải cách theo hướng quy định bổ sung và quy định có 10 trường hợp được xét khen thưởng theo hình thức đơn giản.

So sánh giữa hình thức thông thường với xét theo hình thức đơn giản, dự thảo Luật đã giản lược rất nhiều về vấn đề hồ sơ, thủ tục và thời hạn. Do vậy, sẽ kịp thời khen thưởng để tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình công tác.

Thứ tư, về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này, dự thảo luật đã tiếp tục sửa đổi theo hướng đối với một số hình thức khen thưởng cụ thể mà thành tích và công trạng đã rõ ràng thì tăng thẩm quyền cho người đứng đầu bằng cách quy định cho người đứng đầu được quyết định việc khen thưởng mà không nhất thiết phải bình bầu thông qua Hội đồng thi đua.

Thứ năm, về việc hoàn thiện các tiêu chuẩn thi đua, bà Nguyễn Thị Thủy cho biết, dự thảo luật đã tập trung sửa đổi rất nhiều quy định liên quan đến việc hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn thi đua theo hướng cụ thể, rõ ràng và có thể định lượng được, để cho các tổ chức, cá nhân và các cơ quan căn cứ vào đó để phấn đấu thi đua.

Việc này không chỉ để cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ vào đó để phấn đấu thi đua, mà đối với quá trình để xét thi đua thì các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhờ các quy định về tiêu chuẩn rõ ràng như vậy cũng sẽ rất tiết kiệm được thời gian, giảm bớt các thủ tục và các loại báo cáo trong quá trình xét hồ sơ thi đua.

Khắc phục tính hình thức và chạy theo thành tích

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để cải tiến hơn nữa về hồ sơ, thủ tục, để chúng ta hướng tới tiến hành việc này được khẩn trương hơn; tiếp tục rà soát để mở rộng thêm những trường hợp được xét khen thưởng theo hình thức, thủ tục đơn giản.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát để bổ sung thêm những hình thức thi đua mà đã rõ về thành tích, công trạng thì tiếp tục tăng thẩm quyền, đồng thời tăng trách nhiệm cho người đứng đầu trực tiếp quyết định hình thức thi đua và hình thức khen thưởng này để không nhất thiết mọi việc là phải thông qua Hội đồng bình bầu thi đua.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Hà Nam

Góp ý về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn Hà Nam bày tỏ, về thi đua, chúng ta không thể phủ nhận vai trò, động lực và những hiệu quả to lớn của các phong trào thi đua đem lại đối với đời sống xã hội và trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Dự thảo luật sửa đổi đã có những điều chỉnh, bổ sung về hình thức, phạm vi thi đua.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, nội dung thi đua trong dự thảo luật sửa đổi vẫn còn mang nặng tính hành chính và tính chất nhà nước. Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện, tự giác của các cá nhân, tập thể phấn đấu vì những mục đích chung, hướng tới những điều tốt đẹp, mục tiêu cao hơn trong học tập, công tác lao động, sản xuất, kinh doanh, phát huy được sức mạnh của cá nhân, tập thể trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Mục tiêu và phạm vi hình thức tổ chức thi đua phụ thuộc vào từng tổ chức, cơ quan, đơn vị và mỗi cộng đồng chứ không phải tất cả đều giống nhau, có cái thi đua để phát huy, có cái thi đua để khắc phục, có cái thi đua để cống hiến hơn.

Chính vì vậy, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung thêm về phạm vi đối tượng, thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua để có quy định khuyến khích mọi hình thức thi đua với sự tham gia của đa dạng, đông đảo các thành phần, tầng lớp trong xã hội.

Một vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là làm sao khắc phục được tính hình thức và chạy theo thành tích trong thi đua, khen thưởng, nhất là trong khen thưởng. Để giải quyết được vấn đề đó, luật sửa đổi cần phải có những quy định rõ, cụ thể và theo quan điểm của đại biểu đoàn Hà Nam, khen thưởng phải theo công trạng, phải dựa trên công trạng của các cá nhân, tập thể đạt được. Có như vậy, mới thực sự động viên đối tượng được khen thưởng và khích lệ cộng đồng xã hội học tập, phát huy và hướng tới.

Bên cạnh đó, cần phải có những quy định rõ hơn về nguyên tắc, trách nhiệm và việc xử lý vi phạm của cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, của cá nhân trong tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua, khen thưởng, trong đề nghị khen thưởng và quyết định khen thưởng. Dự thảo luật đã có quy định, song chưa thể hiện rõ vấn đề này.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Tin cùng chuyên mục

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội làm việc tại TP. Hải Phòng

Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân sắp thăm chính thức Malaysia

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ giáo dục

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Brazil

Tuyên bố chung Việt Nam - Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược

Việt Nam - Brazil nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược​​​​​​​

Thủ tướng dự Lễ khánh thành, đặt biển kỷ niệm, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Brazil

Các tập đoàn hàng không vũ trụ, thực phẩm... Brazil muốn mở rộng hợp tác toàn diện với Việt Nam

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc với tỉnh Cà Mau

Việt Nam cùng ASEAN đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi (Cà Mau)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải phát huy ngoại giao cao hơn, rộng hơn thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Brazil

Chủ tịch nước Lương Cường kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản

Chủ tịch nước Lương Cường tham dự và phát biểu tại APEC lần thứ 31

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau

Chủ tịch nước Lương Cường gặp lãnh đạo các nền kinh tế nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp bộ máy Chính phủ tinh gọn, hiệu quả