Israel sẵn sàng ''nghênh chiến'', Iran sẽ chọn kịch bản nào để đáp trả?
Israel đã sẵn sàng cho mọi kịch bản chiến tranh
Tham mưu trưởng Israel Herzi Halevi, cùng các quan chức quân sự cấp cao đã đưa ra nhận xét quan trọng trong chuyến thăm một vị trí chiến lược dọc theo tuyến đường Philadelphi trước thềm cuộc đàm phán vào ngày 15/8.
Ông nhấn mạnh: “Nắm giữ tuyến đường Philadelphi là yếu tố then chốt cho sự tích tụ lực lượng của Hamas”. Trước đó, IDF đã được đặt vào "báo động tối đa" trước nguy cơ Iran và đồng minh tấn công Israel và Tổng tham mưu trưởng đã phê chuẩn kế hoạch tác chiến quyết liệt.
Tuyến đường Philadelphi là "chìa khóa" quan trọng cho sự tích tụ lực lượng của Hamas. Ảnh: Iran International |
Tham mưu trưởng Herzi Halevi nói rằng, quân đội Israel đã sẵn sàng để “duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trên hành lang chiến sự, nếu lãnh đạo chính trị quyết định làm như vậy”. Đồng thời, ông cho biết, Israel cũng đã được chuẩn bị để giám sát và đột kích khu vực khi cần thiết nếu quân địch ngày càng lấn tới.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì lực lượng Israel dọc hành lang Philadelphi, do lo ngại về nạn buôn lậu vũ khí. Tuy nhiên, Ai Cập đã kiên quyết phản đối, bác bỏ mọi yêu sách của Israel tại khu vực này. Trong khi đó, Hamas yêu cầu Israel rút hoàn toàn khỏi Gaza, bao gồm cả The Rafah Crossing và hành lang Philadelphi, như một điều kiện cho bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn hay hoán đổi con tin nào.
Theo truyền thông Israel, các cuộc đàm phán về hành lang Philadelphi đang diễn ra bí mật với các trung gian từ Qatar, Ai Cập và Mỹ. Israel đề xuất giám sát biên giới bằng công nghệ và tuần tra bằng máy bay không người lái “nếu cuối cùng phải rút lực lượng quân đội”.
Tổng Tham mưu trưởng IDF Herzi Halevi (ở giữa) họp cùng các lãnh đạo quân đội về kế hoạch tác chiến đa mặt trận. Ảnh: Al Jazeera |
Hamas tuyên bố sẽ không tham gia cuộc đàm phán này, chỉ tham gia vào các cuộc đàm phán hoán đổi và dịch vụ trao đổi con tin Gaza sắp tới nếu Israel có những động thái rõ ràng để thực hiện đề xuất được hỗ trợ bởi Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Hơn 10 tháng sau cuộc chiến tranh Israel, những vùng đất rộng lớn của Gaza nằm trong đống đổ nát giữa một cuộc phong tỏa thực phẩm, nước sạch và thuốc. Gần 40.000 người Palestine đã bị giết ở Gaza, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, hơn 92.000 người khác bị thương, theo các cơ quan y tế địa phương.
Tòa án công lý quốc tế đã cáo buộc Israel “tội ác diệt chủng” và ra lệnh dừng lại tất cả hoạt động quân sự của Isreal ở thành phố phía nam Rafah, nơi có hơn 1 triệu người Palestine đã tìm nơi ẩn náu trước khi thành phố bị xâm chiếm.
Iran tuyên bố cuộc chiến sắp tới sẽ là "cơn thịnh nộ thần thánh”
Iran cũng có động thái quan trọng trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong ngày 14/8. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei đã mạnh mẽ lên án cái mà ông gọi là "chiến tranh tâm lý của kẻ thù”, nhằm ép buộc Iran từ bỏ kế hoạch trả đũa Israel sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas tại Tehran.
Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei phát biểu vào ngày 14 tháng 8 năm 2024. Ảnh: Iran International |
Trong bài phát biểu, ông Khamenei cảnh báo bất kỳ sự rút lui nào, dù là quân sự, chính trị, hay kinh tế, đều sẽ kích hoạt "cơn thịnh nộ thần thánh" như đã được tiên tri trong Kinh Quran.
Vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh, do Iran hậu thuẫn, đã làm chấn động Tehran khi cố thủ lĩnh bị giết chỉ vài giờ sau khi “khoe khoang” về sự tự do đi lại của mình trên các con phố của thủ đô Iran. Kể từ đó, Iran đã lặng lẽ chuẩn bị cho đòn trả đũa. Lãnh tụ Khamenei tuyên bố rằng các quốc gia phải biết dựa vào sức mạnh của nhân dân mình mới có thể đối đầu với mọi áp lực quốc tế.
Người dân Iran đốt cờ Israel trong lễ tang của các thành viên của Lực lượng Vệ binh Hamas đã thiệt mạng trong cuộc chiến với Israel tại Tehran. Ảnh: Reuters |
Ông Khamenei cũng không ngần ngại chỉ trích thói quen "phóng đại sức mạnh” của kẻ thù, ám chỉ các nỗ lực của Mỹ, Anh và Israel từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Iran đang khéo léo sử dụng các chiến thuật tâm lý của riêng mình, gieo rắc nỗi lo sợ về “một cuộc trả thù khốc liệt” nhưng lại chưa ra tay ngay lập tức.
Nhiều người cho rằng Tehran đang lợi dụng mối đe dọa này để ép buộc Mỹ nhượng bộ, khi chính quyền Tổng thống Biden cũng đang lo ngại về nguy cơ diễn ra một cuộc xung đột toàn diện tại Trung Đông. Mặc dù các cường quốc phương Tây cảnh báo Iran “nên biết kiềm chế” để tránh leo thang căng thẳng, chính quyền Tehran đã bác bỏ những cảnh báo này, khẳng định quyền trả đũa của Iran không cần sự cho phép từ bất kỳ ai.
Ông Nasser Kanaani - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - cũng chỉ trích phương Tây vì đã “dung túng” cho Israel phạm phải "hàng loạt tội ác quốc tế”. Trong khi đó, phong trào Hồi giáo Hamas được Iran hậu thuẫn đang đe dọa sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán ngừng bắn vì lo ngại sự trả đũa của Iran đang đến gần.
Tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cũng đồng tình với lập trường cứng rắn của Lãnh tụ Khamenei, bất chấp những lo ngại rằng điều này sẽ tác động tới sự leo thang. Israel cũng đã gửi “lời cảnh báo sắc bén” tới Mỹ và châu Âu rằng, bất kỳ động thái nào từ Tehran cũng sẽ dẫn đến một cuộc tấn công dữ dội vào Iran.