Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ ra đời nhờ chương trình khuyến công quốc gia |
Theo đại diện Cục Công nghiệp địa phương, (Bộ Công Thương) - năm 2014, IPC 1 tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt triển khai chương trình khuyến công quốc gia. Năm 2014, riêng IPC 1 đã triển khai 37 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 15.239 tỷ đồng, tăng tới 165,11% so với năm 2013. Ngoài 7 loại hình đề án truyền thống đã được triển khai nhiều năm qua, như: Đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất…, IPC 1 đã triển khai thêm 2 nội dung mới: Tổ chức đoàn công tác nước ngoài và hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước. Các loại hình đó được IPC 1 triển khai tại nhiều địa phương: Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Yên Bái…
Về nội dung đào tạo ngắn ngày và công tác tập huấn, năm 2014, IPC 1 đã hoàn thành đề án đào tạo về quản trị doanh nghiệp cho 1.000 học viên; đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 520 học viên, tổng kinh phí thực hiện 1,5 tỷ đồng, triển khai rộng khắp 11 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc: Nghệ An, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh... IPC 1 cũng đã triển khai đề án tập huấn về kiến thức, kỹ năng thiết kế mẫu hàng thủ công mỹ nghệ cho 300 học viên với kinh phí 180 triệu đồng. Đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề, nhất là các làng nghề sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Chiếm phần lớn kinh phí hỗ trợ trong nội dung đào tạo, năm 2014, IPC 1 đã hoàn thành 3 đề án đào tạo nghề cho 2.016 lao động, tổng kinh phí thực hiện 3,717 tỷ đồng.
IPC 1 cũng đã hỗ trợ triển khai 17 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tổng kinh phí thực hiện 3,834 tỷ đồng. Đây là một trong những nội dung được đánh giá có hiệu quả rất tốt, giúp không ít cơ sở công nghiệp nông thôn vượt khó, cải thiện sản xuất và doanh thu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: Năm 2015, hoạt động khuyến công cần chú trọng, tập trung vào các chương trình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất; bám sát cơ sở sản xuất, thực hiện nhiều hơn các mô hình, đề án cụ thể, thiết thực. |
Với 2 nội dung mới được triển khai, trong năm qua, IPC 1 đã hỗ trợ 260 gian hàng cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ trong nước và 31 gian hàng tại các hội chợ được tổ chức tại Hồng Kong, Dubai, tổng kinh phí thực hiện trên 3,378 tỷ đồng. Qua đó, các cơ sở công nghiệp nông thôn đã có cơ hội trao đổi, giao thương hàng hóa, xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ thông qua việc ký kết hợp đồng với các nhà bán lẻ lớn. IPC 1 cũng đã tổ chức đoàn công tác gồm cán bộ quản lý và một số cơ sở công nghiệp nông thôn tìm hiểu về cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tại Hong Kong…
Đại diện Cúc Công nghiệp địa phương cho rằng, các đề án của IPC 1 triển khai đã đạt hiệu quả cao, đem lại sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. IPC 1 đã xây dựng được các đề án mang tính vùng miền, phù hợp với quy hoạch của ngành và địa phương. Đặc biệt, IPC 1 đã triển khai nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất tại một số địa bàn khó khăn, giúp doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn cải thiện được sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây cũng là nền tảng để nhân rộng mô hình, giúp người dân nâng cao thu nhập, chuyển dịch kinh tế địa phương.