Huyện Thanh Trì (Hà Nội)- Nhiều kinh nghiệm hay trong xây dựng nông thôn mới
Hà Nội cũng là địa phương có số lượng huyện đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất của cả nước.
Sau hơn 6 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Trì đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là trong văn hóa, giáo dục. Tổng vốn đã bố trí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2016 của huyện là 2.360 tỷ đồng.
Trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực. Thanh Trì đã chủ động bố trí 23,61 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất; xây dựng, phát huy hiệu quả vùng trồng rau an toàn với diện tích 145ha tại xã Yên Mỹ và Duyên Hà; phát triển chuỗi liên kết thực phẩm rau - thịt trên địa bàn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại. Ngoài ra, huyện đã cải tạo, đào đắp, nạo vét 112km kênh mương nội đồng; kiên cố, cứng hóa 51km kênh mương (tăng 19% so với năm 2010); xây dựng mới, cải tạo 250 cống tiêu thoát nước… đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất và bảo đảm tiêu thoát trong khu dân cư. Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện hoạt động khá hiệu quả với 33 doanh nghiệp, thu hút trên 4.000 lao động. Từng bước đưa Cụm công nghiệp Tân Triều vào hoạt động; 3 làng nghề truyền thống là Dệt Triều Khúc (Tân Triều), bánh chưng, bánh dày Tranh Khúc (Duyên Hà), miến bánh đa Phú Diễn (Hữu Hòa) được thành phố công nhận, bước đầu đã khẳng định được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 35 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2010. Phấn đấu hết năm 2017 là 38 triệu đồng/người/năm và đến năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người/năm. Các hộ nghèo trên địa bàn huyện đều được quan tâm hỗ trợ để ổn định cuộc sống đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để từng bước thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hiện dưới 2%.
Kinh nghiệm thành công của huyện Thanh Trì là nhờ lãnh đạo huyện và cơ sở đã khơi dậy được sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Huyện đã phát huy và nhân rộng mô hình: “Nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng, ngõ xóm”. Đặc biệt môi trường là một trong những tiêu chí khó đối với huyện Thanh Trì trong xây dựng nông thôn mới. Để khắc phục, huyện đã triển khai Đề án nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường huyện đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Từ đây, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nhân dân đóng góp gần 12 tỷ đồng để cải tạo môi trường, kè và làm sạch hồ, ao ở các xã: Vĩnh Quỳnh, Hữu Hòa, Đại Áng, Yên Mỹ… Toàn huyện xây dựng và cải tạo 48 điểm tập kết rác tại các thôn, thu gom, vận chuyển 98% lượng rác thải phát sinh trong ngày đến nơi quy định bảo đảm hợp vệ sinh; 8,4km sông Tô Lịch trên địa bàn huyện được cải tạo, làm đường gom, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp hai bên bờ sông… Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Thanh Trì tiếp tục được củng cố và tăng cường; cải cách hành chính được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Từ thành công đạt được, lãnh đạo huyện Thanh Trì cho biết cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, tâm huyết và sâu sát cơ sở; đồng thời tạo sự đồng thuận và tin tưởng để nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia. Công tác quy hoạch đi trước một bước và phải được nhân dân tham gia bàn bạc, thống nhất thực hiện; quá trình triển khai, huy động và sử dụng tập trung, hiệu quả các nguồn lực; ưu tiên nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và sinh hoạt của nhân dân.
Trong định hướng tới đây, lãnh đạo TP. Hà Nội cho rằng, Thanh Trì cần tiếp tục quan tâm xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, chú trọng đến các công trình về y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa... góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giao thông. Đặc biệt là đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; giữ vững trật tự, an toàn, an ninh quốc phòng trên địa bàn.