Trong suốt chiều dài lịch sử, cư dân vùng đất Tân Lạc đã sáng tạo nên một di sản văn hóa vừa phong phú, vừa đa dạng và đặc sắc. Huyện Tân Lạc được biết đến là một trong những cái nôi văn hóa của người Mường, với những giá trị truyền thống được lưu giữ như: Mo Mường, chiêng Mường, hát ví, nhạc cụ dân tộc… cùng nhiều sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc như dệt thổ cẩm, đan lát, rượu cần…
|
Huyện Tân Lạc cái nôi văn hóa của người Mường |
Trên địa bàn huyện Tân Lạc hiện có 19 điểm di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh được bảo vệ và khai thác. Trong đó, 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 3 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 9 điểm được UBND tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê. Đặc biệt là trên địa bàn đang phát triển hoạt động du lịch cộng đồng ở xóm Ngòi (Suối Hoa), xóm Chiến (Vân Sơn), xóm Bưởi Cạn (Phú Cường) khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Lũng Mây, xã Quyết Chiến… Bên cạnh đó, Tân Lạc còn được thiên nhiên ban tặng cho một hệ sinh thái khá phong phú, với nhiều hệ động, thực vật đặc hữu, hệ thống sông suối, hồ đập, hang động dày đặc, khí hậu ôn hoà mát mẻ.
|
Vịnh Ngòi Hòa vùng phát triển du lịch trọng tâm của huyện Tân Lạc |
|
Núi Cột Cờ, biểu tượng văn hóa của người Mường Bi |
|
Tân Lạc với nhiều tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch |
Cùng với đó, con người nơi đây thật thà, đôn hậu, còn lưu giữ những nét văn hóa dân tộc Mường cổ. Vùng hồ sông Đà xã Suối Hoa được quy hoạch là vũng lõi của Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, có nhiều tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa. Vịnh Ngòi Hoa rộng hàng nghìn ha quanh năm êm đềm, bốn mùa nước trong xanh. Trong hồ có nhiều đảo đá, đất xen lẫn rừng cây đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu, khảo sát, triển khai các dự án đầu tư, tập trung vào lĩnh vực phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm, khám phá.
|
Phát triển du lịch cộng đồng |
|
Trải nghiệm tại Lũng Vân cùng những ngôi nhà sàn xứ Mường |
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện, các ngành thương mại, dịch vụ bước đầu đã có sự phát triển khá toàn diện đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch. Hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng mở rộng, các loại hình dịch vụ như: Khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống chất lượng cao từng bước được hình thành. Dịch vụ sinh thái, du lịch cộng đồng với văn hóa tâm linh gắn với lễ hội đã có nhiều khởi sắc. Vấn đề khôi phục các lễ hội truyền thống, duy trì các nghề truyền thống gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc như: Đan lát, dệt thổ cẩm… đã tạo thành những sản phẩm độc đáo mang nét đặc trưng của Tân Lạc phục vụ du lịch. Thự sự trong những năm qua, Tân Lạc đã và đang là sự lựa chọn quen thuộc của du khách thập phương đến khám phá trải nghiệm.
|
Những sản phẩm độc đáo mang nét đặc trưng của Tân Lạc |
|
Du lịch ngành kinh tế mũi nhọn Tân Lạc |
Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, trong thời gian tới, huyện Tân Lạc tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng chất lượng và hiệu quả. Đồng thời xây dựng hình ảnh du lịch Tân Lạc có khả năng cạnh tranh và bền vững, gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.