Hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hà |
Nhiều tiềm năng
Du lịch cộng đồng mới chỉ triển khai ở Lai Châu vài năm trở lại đây, xuất phát từ việc một số công ty du lịch lữ hành từ Hà Nội, Sapa đưa khách đến tham quan và ở lại qua đêm tại các nhà dân. Sau một thời gian hoạt động, nhận thấy thế mạnh và lợi ích từ việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng này, ngành du lịch Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tích cực triển khai xây dựng mô hình bản văn hóa du lịch cộng đồng.
Cho đến nay, Lai Châu đã có bốn điểm du lịch cộng đồng được tỉnh công nhận là: bản Nà Luồng (huyện Tam Đường) gắn với dân tộc Lào, bản Hon (huyện Tam Đường) gắn với văn hóa dân tộc Lự, bản Gia Khâu I (thị xã Lai Châu) và bản Vàng Pheo (huyện Phong Thổ) gắn với dân tộc Thái. Các bản đều đã đi vào hoạt động, trong đó có những bản thu hút được một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước.
Tại điểm văn hóa bản Hon, trung bình mỗi tuần đều có từ 1 - 2 đoàn du khách đến nghỉ dưỡng và tham quan (mỗi đoàn từ 5 - 20 khách). Đến với bản Hon, du khách có thể tìm hiểu về những đặc trưng truyền thống của người dân tộc Lự. Tại đây, dân cư sống tập trung, thuần nhất, hầu hết ở nhà sàn truyền thống. Những tập tục của người dân vẫn được lưu giữ đầy đủ từ trang phục dân tộc, tập tục sinh hoạt (nhuộm răng đen, tự đan lát dệt vải…) cho đến ẩm thực địa phương. Ngoài ra, cạnh bản có suối Nậm Mu, có hang động đẹp (động Rơi), có thể đi bộ tới bản Đông Pao và Bản Giang.
Ngoài ra, còn nhiều địa điểm du lịch mang nét hoang sơ như động Tiên Sơn, thác Tắc Tình, động Thiên Sơn - Pa Sam Cáp, cao nguyên Sìn Hồ, núi Đá Ô, suối khoáng nóng Vàng Pó… cùng hàng trăm điểm du lịch với nhiều sản phẩm được tạo ra từ các nghề truyền thống đồng bào như ẩm thực, rượu ngô, vải thổ cẩm, mây tre đan… Đây chính là những thế mạnh để Lai Châu phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu): Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, du lịch cộng đồng được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng bảo đảm tính bền vững trong phát triển du lịch của tỉnh nhà. |
Cần sự quan tâm đúng mức
Tuy nhiên, do hoạt động du lịch cộng đồng vẫn còn khá mới mẻ đối với người dân nên trong quá trình phát triển vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa việc giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc với nhu cầu cuộc sống hiện đại. Những nơi còn lưu giữ khá nguyên vẹn các giá trị truyền thống văn hóa lại nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc yếu kém. Bên cạnh đó, hầu hết nghề truyền thống ở Lai Châu bị thất truyền do sự xâm lấn của hàng hóa sản xuất theo dây chuyền hiện đại nên việc sản xuất hàng lưu niệm phục vụ du khách cũng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, tại các huyện, đường sá, cơ sở vật chất lưu trú, công trình vệ sinh chưa bảo đảm. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch chưa thực sự hiệu quả. Việc đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ thuyết trình, thuyết minh, hướng dẫn viên tại các hộ gia đình còn nhiều thiếu sót. Đó thực sự là những thách thức lớn trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.
Để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động du lịch cộng đồng, Lai Châu rất cần đến sự quan tâm chỉ đạo đầu tư đúng mức của các cấp chính quyền nhằm gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.