Thông tư quy định rõ về cấp mã số thuế. Theo đó, người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế để được cấp mã số thuế theo quy định tại Điều 21 của Luật Quản lý thuế.
Cụ thể, tổ chức kinh tế và tổ chức khác được cấp một mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký thuế cho đến khi chấm dứt hoạt động, trừ một số trường hợp quy định.
Cá nhân được cấp một mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Mã số thuế cấp cho người phụ thuộc đồng thời cũng là mã số thuế của cá nhân khi cá nhân phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Mã số thuế đã cấp không được sử dụng lại để cấp cho người nộp thuế khác. Mã số thuế của tổ chức kinh tế, tổ chức khác sau khi chuyển đổi loại hình, bán, tặng cho, thừa kế được giữ nguyên…
Người nộp thuế phải sử dụng mã số thuế được cấp theo quy định tại Điều 28 Luật Quản lý thuế. Cụ thể, người nộp thuế sử dụng mã số thuế để thực hiện khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và thực hiện các thủ tục về thuế khác đối với tất cả các nghĩa vụ phải nộp ngân sách nhà nước, kể cả trường hợp người nộp thuế hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều địa bàn khác nhau.
Doanh nghiệp, tổ chức đã được cấp mã số thuế nếu phát sinh các hoạt động sản xuất kinh doanh mới hoặc mở rộng kinh doanh sang địa bàn tỉnh, thành phố khác nhưng không thành lập chi nhánh hoặc đơn vị trực thuộc hoặc có cơ sở sản xuất trực thuộc (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) trên địa bàn khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính, thuộc đối tượng được hạch toán khoản thu của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế, thì được sử dụng mã số thuế đã cấp để khai thuế, nộp thuế với cơ quan thuế tại địa bàn nơi phát sinh hoạt động kinh doanh mới hoặc mở rộng kinh doanh…
Thời hạn thực hiện đăng ký thuế của người nộp thuế
Người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện đăng ký thuế theo đúng thời hạn quy định tại Điều 22 Luật Quản lý thuế.
Cụ thể, các tổ chức kinh tế, tổ chức khác có hoạt động sản xuất kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ: Ngày ghi trên giấy phép thành lập và hoạt động, hoặc quyết định thành lập, hoặc giấy phép tương đương do cơ quan có thẩm quyền cấp; ngày ghi trên giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc, hoặc quyết định thành lập, hoặc giấy phép tương đương do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Tổ chức, cá nhân không hoạt động sản xuất kinh doanh có phát sinh nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước hoặc được hoàn thuế thực hiện đăng ký thuế cùng với thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế lần đầu theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký thuế cùng với thời hạn nộp hồ sơ khai thuế lần đầu. Trường hợp được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân đăng ký thuế cho người phụ thuộc cùng với thời hạn thực hiện thủ tục đăng ký giảm trừ gia cảnh theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân.
Cơ quan chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thuế cho cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và đăng ký thuế cho người phụ thuộc của cá nhân một lần trong năm chậm nhất là 10 ngày làm việc trước thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân hàng năm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/8/2016.