Thứ năm 21/11/2024 15:35

Hủ tục của bản và nỗi đau của người mẹ đang khoác áo học trò

Hủ tục lạc hậu đã đẩy em thành người mẹ trẻ khi chưa rời ghế nhà trường. Em ước thời gian có thể quay trở lại để có thể “xé bỏ” những tục lệ hà khắc này.

Nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa đang cắp sách đến trường, những giọt nước mắt em lại bỗng tuôn rơi. Em ước thời gian có thể quay trở lại để em có thể “xé bỏ” những tục lệ hà khắc của bản làng, một trong những hủ tục đã vô tình đưa đẩy em thành người mẹ trẻ khi chưa rời ghế nhà trường.

Em Thao Thị Sính đã vô tình trở thành mẹ trẻ khi đang là học sinh. Ảnh Hà Khải

Đấy là câu chuyện buồn của em Thao Thị Sính (SN 2007), trú tại bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (Nhân vật đã được đổi tên). Sính sinh ra và lớn lên trong một gia đình người H’Mông nghèo, nhà đông anh em. Nhìn bản làng nghèo cái ăn, đói cái chữ, nên từ nhỏ, Sính đã ước mơ trở thành giáo viên để mang con chữ, đưa văn minh về với bản. Thế nhưng ước mơ đó đã vụt tan biến sau một phiên chợ tình mùa xuân, đẩy đưa em vào ngõ cụt không lối thoát.

Phiên chợ định mệnh

Bản Ché Lầu của Sính được thành lập từ năm 1989, trong những dần di cư làm nương, phát rẫy của bà con người H’Mông ở xã Pù Nhi và xã Nhi Sơn của huyện Mường Lát. Bản nằm chông chênh trên sườn những đỉnh núi cao, nên trước khi chưa có đường, đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn. Đường đi đã khó, lại không có điện lưới, sóng vô tuyến, cuộc sống của đồng bào Mông bản Ché Lầu đằng đẵng trong bộn bề túng thiếu. Từ bao đời nay, họ đã quen sống bám vào rừng theo lối sống tự cung tự cấp. Tra xong hạt ngô, hạt lúa..., họ quẳng lại đó, trông cậy ở mẹ trời, được chăng hay chớ.

Cuộc sống tù túng cứ thế trôi đi, những đứa trẻ nheo nhóc lần lượt ra đời, được nuôi lớn bằng những hạt ngô non hay củ sắn. Còn người lớn, họ vào tận rừng già chặt nứa, vầu kéo xuống tận Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo để đổi lấy bò gạo cải thiện đời sống sau những tháng ngày ăn ngô với sắn.

Không chỉ khó khăn về kinh tế, đường đi, bà con trong bản còn bị trói buộc bởi những sợi dây tâm linh vô hình từ muôn vàn kiếp trước. Những hủ tục như ghì chặt ước mơ của bà con xuống đáy bờ vực sâu thẳm, không lối thoát. Thao Thị Sính là một trong những nạn nhân của hủ tục đấy.

Trong căn nhà trống huơ, trống hoắc, Sính bắt đầu những câu chuyện về cuộc sống mình, cũng như hoàn cảnh khiến em trở thành người mẹ trẻ khi còn khoác áo học trò. Lời kể mộc mạc, pha cả tiếng dân tộc của cô gái H’Mông đã dần tái hiện lên một bức tranh u buồn của một bản làng nơi miền biên xứ.

Theo đó, trong mùa xuân năm 2023, khi những cây hoa cải đã nhuộm vàng cả một khoảng sân, cũng là lúc những cô gái H’Mông bắt đầu sắm sửa quần áo để xuống phố đi chơi, họ như những đàn bướm rừng cứ bay theo những âm thanh dập dìu từ những tiếng khèn bè của các chàng trai trong bản.

Sính năm đấy vừa tròn 16 tuổi, cũng chuẩn bị váy, áo để cùng các anh chị trong bản đi xuống chợ xã để du xuân. Tại đây, Sính đã bị Hơ Văn Lý (SN 2005) trú tại xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát bắt về làm vợ. Dù được tuyên truyền về nạn tảo hôn, nhưng Sính vẫn không đủ sức mạnh để thoát khỏi nó, bởi đằng sau đấy là cả một áng mây tâm linh che phủ.

Lau vội giọt nước mắt, Sính cho biết: “Em có thể trốn về được, nhưng có trốn được con ma nhà chồng đâu, khi họ đã làm lễ cúng để gia tiên nhận em làm con dâu. Em sống làm người nhà họ, chết làm ma nhà chồng rồi, không thể thay đổi được”.

Cũng từ đó, số phận của em đã phải trải qua những chuỗi ngày đau khổ khi phải rời xa mái trường để đến với hành trình làm mẹ. Ước mơ “cõng chữ” lên non với dân bản cũng mãi nằm lại trong những khoảng ký ức đẹp của người con gái trẻ.

Căn nhà của vợ chồng Sính ngoài để che mưa, che nắng thì không có gì đáng giá. Ảnh Hà Khải

Giờ đây, một mình em phải tự nuôi con nhỏ, đồng thời cũng phụ giúp gia đình lo cho chồng ăn học. Những lúc túng thiếu, em lại cõng con, vượt qua những quả đồi to về nhà mẹ đẻ để xin thêm bó rau, bò gạo mong ngày lúa chín.

Giờ mẹ con em chỉ mong bố cháu lấy bằng cấp 3 xong rồi xin vào công ty làm, để có thêm đồng mua sữa cho con. Chứ mẹ con em chẳng biết trông cậy vào ai, ông bà 2 bên đều túng khó nên cũng chẳng hỗ trợ được nhiều” - Sính nói.

Tìm sáng phía chân trời

Không chỉ Sính mà hầu hết người dân trong bản Ché Lầu đều phải hứng chịu số phận bi thương khi hủ tục bủa vây, nạn đói đeo bám. Trong những hủ tục đấy, có lẽ phải kể đến việc ma chay, cưới hỏi kéo dài triền miên, gia chủ phải vay mượn trâu bò để cúng lễ và khao làng. Sau khi tang lễ kết thúc, gia đình có thể phải đối mặt với khó khăn tài chính để trả nợ và phục hồi kinh tế.

Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của người uy tín trong bản, những hủ tục trên đã dần được thay thế bằng cuộc sống văn minh, hiện đại, để người dân yên tâm sản xuất, bám bản, giữ vững biên cương của Tổ quốc.

Ông Thao Văn Sinh, người uy tín của bản Ché Lầu cho biết: “Những năm trước đây, đời sống của người dân trong bản gặp muôn vàn khó khăn, người dân thì đói ăn, hủ tục bủa vây nên nạn tảo hôn cũng rất nhiều. Từ khi được chính quyền vận động tuyên truyền về xây dựng cuộc sống văn hóa, những hủ tục đã được đẩy lùi".

Hằng ngày, Sính phải vừa trông con nhỏ, vừa làm lụng để cho chồng ăn học. Ảnh Hà Khải

Tuy nhiên, nhiều con trẻ vẫn chưa nhận thức rõ nên tình trạng tảo hôn ở bản vẫn diễn ra. Để giải quyết triệt để, chính quyền đã phối hợp với trường học thường xuyên tuyên truyền cho các cháu hiểu. Ngoài ra, Trưởng bản cũng đi từng nhà để vận động bà con xây dựng cuộc sống văn minh.

Với sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, hi vọng Thao Thị Sính là nạn nhân cuối cùng của hủ tục, để cho những bé gái không phải chịu cảnh đang bồng sách đã phải bế con, những đứa trẻ được sinh ra cũng không phải đối mặt với cảnh ốm đau, bệnh tật.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương trong công tác xóa bỏ hủ tục của vùng dân tộc thiểu số, ông Ngân Phúc Hậu - Phó Chủ tịch xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa - cho biết: “Ché Lầu là một bản nghèo với 100% dân số là người H’Mông với nhiều hủ tục lạc hậu bủa vây. Nạn tảo hôn cũng từ đấy mà ra. Tuy nhiên, do phong tục bắt vợ của đồng bào vẫn nhiều nên rất khó kiểm soát.

Để đẩy lùi vấn nạn này, chính quyền đã tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân chỉ được bắt vợ khi đủ 18 tuổi trở lên. Khi đấy, bản vừa giữ gìn được nét đẹp văn hóa của dân tộc, đồng thời chấp hành nghiêm pháp luật trong cuộc sống hôn nhân và gia đình”.

Hà Khải
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Thanh Hóa

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Khẩn cấp chống sạt lở mái đê hữu Đáy ở Quốc Oai

Bắc Giang: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu về đảm bảo an toàn thực phẩm

Thừa Thiên Huế: Xe chở rác tông lan can cầu treo, hai người mất tích

Truyền thông góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thuốc lá: Kẻ thù không đội trời chung của làn da

Nhân sự 20/11: Bộ Chính trị bổ nhiệm nhân sự; Bộ Công an bổ nhiệm hai lãnh đạo tại tỉnh Bình Dương

Dự báo thời tiết biển hôm nay 21/11/2024: Có mưa rào và dông trên biển

Dự báo thời tiết hôm nay 21/11/2024: Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi cục bộ có mưa to

Aspire Hub hướng tới hỗ trợ học sinh trường quốc tế và trường song ngữ tại Việt Nam

Thanh Trì (Hà Nội): Rác thải bủa vây vỉa hè đường Phạm Tu gây ô nhiễm môi trường

Cần triển khai nhiều hơn mô hình phòng, chống đuối nước đối với trẻ em

Nhiều khách 'sập bẫy' khi đăng ký dịch vụ lưu trú, mua sắm trước thềm Festival hoa Đà Lạt

Chiêm ngưỡng những thiết kế thời trang tái chế độc đáo của học sinh dân tộc thiểu số ở Gia Lai

Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng môi trường học tập hiện đại, phù hợp thực tế

Trường Đại học Kinh tế- Kỹ thuật Công nghiệp: Nhiều giải pháp đổi mới trong đào tạo

Cảnh giác với “thủ đoạn mới” giả mạo ứng dụng CSKH EVNSPC để lừa đảo khách hàng sử dụng điện

Bắc Giang: Quyết liệt nhiều giải pháp đột phá nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Nhiều tập thể, cá nhân Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh được Bộ trưởng Bộ Công Thương khen thưởng

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Sẵn sàng đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

Hà Nội quyết tâm đưa Công viên hồ Phùng Khoang vào sử dụng trước Tết Nguyên đán