HoREA khuyến nghị doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền
TP. Hồ Chí Minh vẫn thiếu các dự án nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội |
Theo đó, chỉ riêng Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn cho 57 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 29.017 căn nhà, gồm có 27.792 căn hộ và 1.225 nhà thấp tầng. Trong số này có 5.630 căn hộ thuộc phân khúc cao cấp, chiếm tỷ lệ 20,3%; có 16.750 căn hộ thuộc phân khúc trung cấp, chiếm tỷ lệ 60,3%; và 5.412 căn hộ thuộc phân khúc bình dân, chiếm tỷ lệ 21,6%. Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp (DN) như: Công ty Him Lam, Công ty Khang Điền... thường xây dựng xong nhà mới bán cho người tiêu dùng nên không phải đăng ký bán hàng qua Sở Xây dựng.
“Về mức hấp thụ, phân khúc nhà ở vừa túi tiền chiếm tỷ lệ 79,7% và đang là phân khúc chủ đạo được người tiêu dùng quan tâm. Tuy nhiên, thị trường vẫn thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, và nhà ở thương mại giá rẻ, đặc biệt thiếu nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết.
Cũng theo ông Châu, ngay từ cuối những năm 2015, HoREA đã nhận thấy thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại và tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro do lệch pha giữa phân khúc bất động sản cao cấp với bất động sản vừa túi tiền. Từ nhận định trên HoREA đã khuyến nghị các DN cần cơ cấu lại đầu tư, chuyển hướng mạnh vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, và cần quan tâm phát triển cả nhà cho thuê giá rẻ để phục vụ nhu cầu của người có thu nhập trung bình, người nhập cư.
Nhận định về thị trường trong năm 2017, ông Châu cho rằng thị trường bất động sản năm tới sẽ vẫn nằm trong chu kỳ năm trưởng nhưng sẽ có xu thế chững lại. Đến năm 2021 sẽ có sự điều chỉnh lớn về vấn đề lệch pha cung cầu với sự tham gia của các DN vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền như: Him Lam, Nam Long, Vingroup.
Là chủ đầu tư hướng vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền trong nhiều năm nay, ông Ngô Đình Hãn - Giám đốc kinh doanh Công ty Nam Long - cho biết, tiềm năng nhà ở giá rẻ tại thị trường Việt Nam là không giới hạn. Các DN tham gia sẽ không lo ngại đầu ra do đáp ứng nhu cầu số đông và được sự hỗ trợ của chính phủ về mặt chính sách.
Với kinh nghiệm xây nhà ở vừa túi tiền, ông Hãn cho hay, ngoài việc kiểm soát tối ưu đầu vào gồm các loại chi phí như từ thiết kế, thi công, quản lý giám sát, vận hành, bán hàng, marketing… các dự án còn phải đáp ứng yêu cầu về vị trí, hợp lý nhất là trong khoảng 10km – 12km – 15km, khoảng cách di chuyển về trung tâm khoảng 30 phút – 45 phút. Ngoài ra, các chủ đầu tư nên phát triển các sản phẩm căn hộ có diện tích nhỏ, tổng giá trị hợp lý trong khả năng chi trả của khách hàng…
Kiến nghị với cơ quan chức năng về các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở giá rẻ, ông Hãn cho rằng, việc giảm thuế, ưu đãi tiền sử dụng đất, giảm thủ tục cho DN…. là điều kiện quan trọng nhất để các DN tham gia nhiều hơn vào phân khúc nhà giá rẻ.
Còn theo HoREA, để việc phát triển bất động sản không bị lệch pha như hiện nay, Nhà nước nên xem xét lại việc đánh thuế sử dụng đất, ưu đãi tín dụng cho chủ đầu tư xây nhà ở xã hội cũng như tạo cơ chế chính sách phù hợp cho cả người bán lẫn người mua nhà.