Hợp tác công tư: Nâng tầm nông sản Việt hội nhập quốc tế
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh toàn cầu và Việt Nam, làm đứt gãy chuỗi giá trị nông sản. Trong bối cảnh này, Bộ NN&PTNT xác định doanh nghiệp ngày càng có vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản và sự phát triển của ngành Nông nghiệp, trong đó, PPP là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường đầu tư chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Quốc Doanh phát biểu khai mạc Hội nghị |
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, PSAV được khởi xướng từ năm 2010 trong khuôn khổ “Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hướng tới mục tiêu 20-20-20 (tăng 20% năng suất, giảm 20% đói nghèo và giảm 20% phát thải). Bộ NN&PTNT đã cùng 15 doanh nghiệp quốc tế, tập đoàn đa quốc gia đầu tiên như: ADM, Bunge, Cargill Inc., Cisco Vietnam, Nestlé, PepsiCo Vietnam, Bayer Vietnam, Swiss Re, …thành lập Mô hình “PPP ngành nông nghiệp” nhằm kết nối các tác nhân trong ngành để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.
Tới nay, PSAV đã thành lập được 8 Nhóm công tác PPP ngành hàng, bao gồm: cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu, gạo, hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi với sự tham gia của hơn 120 tổ chức, gồm các cơ quan Chính phủ, các công ty, hiệp hội ngành hàng, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ.
Việc triển khai PPP trong nhóm ngành hàng đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Đến nay, đã xây dựng được nhiều mô hình trình diễn canh tác bền vững, thân thiện với môi trường, tăng thu nhập cho nông dân, tạo dựng một chuỗi giá trị liên kết với các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, hàng hóa,….
Tại sự kiện, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ nhận định về triển vọng PPP trong nông nghiệp trong bối cảnh bình thường mới hậu Covid-19 và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) bởi đại diện khối công, tư và các tổ chức phát triển/nhà tài trợ. Đồng thời, thảo luận về cơ chế chính sách hỗ trợ nhân rộng các sáng kiến PPP thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững, bắt kịp xu hướng hiện đại trong bối cảnh mới.
Ông Christoph Meinert – Đại diện Ban Giám Đốc Bayer Việt Nam thảo luận về mô hình hợp tác công tư (PPP) cùng các thành viên PSAV |
Là một trong những thành viên của PSAV, ông Christoph Meinert – Đại diện Ban Giám đốc Bayer Việt Nam- cho hay, trong thời gian qua, Bayer đã phối hợp với các đối tác và đưa ra các giải pháp kỹ thuật số giúp nền nông nghiệp của Việt Nam tăng tính cạnh tranh và bền vững. Đáng chú ý, nhằm hỗ trợ kịp thời nông hộ nhỏ ứng phó với đại dịch Covid-19 và hạn mặn, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bayer phối hợp cùng các đơn vị liên quan đang thực hiện chương trình toàn cầu “Better Farms, Better Lives” (canh tác thuận lợi hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn) tại Việt Nam. Chương trình đặt mục tiêu giúp đỡ 80.000 nông hộ sản xuất nhỏ thông qua việc trao tặng các gói hỗ trợ "Better Life Farming" (gói hỗ trợ canh tác thuận lợi). Các gói hỗ trợ sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế của người nông dân tại các địa phương, bao gồm các loại hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật và tài liệu tập huấn tương ứng nhằm phục hồi hoạt động sản xuất, ứng phó hiệu quả với tình hình bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh Covid-19, một cách bền vững, đảm bảo các sản phẩm thu hoạch đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn quốc tế.
Năm 2015, Bayer và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức bắt đầu dự án Sáng kiến Phát triển Sản xuất Lúa gạo khu vực châu Á tại Việt Nam, cùng nhau giải quyết tất cả các vấn đề về chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, hỗ trợ tăng cường sinh kế cho người nông dân để cải thiện năng suất và an toàn thực phẩm. Trong năm 2017, Nhóm công tác thực hiện dự án thí điểm đầu tư theo hình thức PPP gồm: 01 dự án tại đồng bằng sông Hồng và 03 dự án tại đồng bằng sông Cửu Long với quy mô 1,000 ha/ dự án. Giai đoạn 2018 – 2020, phát triển Nhóm công tác PPP ngành hàng Gạo thành Ban điều phối ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Đến năm 2020 mở rộng quy mô các dự án của các doanh nghiệp trong nước và 20.000 hộ nông dân tham gia, thu hút các ngân hàng, tổ chức tài chính và siêu thị thực hiện phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và xây dựng thương hiệu cho 5-10 sản phẩm gạo Việt Nam.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam |
Còn theo ông Binu Jacob- Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, từ năm 2011, Chương trình toàn cầu NESCAFÉ Plan về phát triển cà phê bền vững do Công ty Nestlé khởi xướng tại Việt Nam đã góp phần nâng cao giá trị và chất lượng hạt cà phê Việt, cải thiện đời sống của nông dân. Sau 10 năm triển khai, chương trình đã cải tạo 46.000 ha diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên thông qua hoạt động tái canh. Tập huấn và đào tạo kỹ thuật canh tác bền vững cho hơn 260.000 lượt nông dân với sự tham gia của các kỹ sư nông nghiệp… giúp nâng cao nhận thức của người nông dân. Kết quả, chương trình giúp tăng thu nhập cho người nông dân từ 30 - 100% trong vòng 10 năm qua, việc sử dụng nước giảm 40%, sử dụng hóa chất nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật giảm 30%.
Theo các chuyên gia, sự chung tay hỗ trợ từ Bayer, Nestlé… và các thành viên của PSAV đã mang đến những cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả và tăng tính cạnh tranh cho nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cải thiện thể chế và chính sách trong thời gian tới sẽ giúp tăng cường và nhân rộng các mô hình thành công và thu hút đầu tư theo hình thức PPP vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bayer đang thực hiện một dự án hợp tác với các bên liên quan để đồng hành cùng sự phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam. Đề cương hành động bao gồm nâng cao năng lực canh tác của nông dân và ứng dụng công nghệ cao trong canh tác kỹ thuật số, hướng đến các loại cây trồng được ưu tiên xuất khẩu sang thị trường EU để hỗ trợ triển khai Hiệp định EVFTA như: cà phê, tiêu, gạo và trái cây…. “Chúng ta cần có chiến lược dài hạn cũng như sự cam kết của tất cả các đối tác trong chuỗi giá trị, từ đó mới thúc đẩy và triển khai các ý tưởng tại Việt Nam”, ông Christoph Meinert cho biết.