Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9: Lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao nhất để phấn đấu Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023: 10 tháng, xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng và là điểm sáng |
Kinh tế xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực
Mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai công tác năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 2021-2025.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhìn chung, tình hình Kinh tế xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; chúng ta đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra là kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; an sinh xã hội và đời sống người dân được cải thiện; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt kết quả toàn diện, nổi bật; uy tín, vị thế của đất nước và niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước được nâng lên.
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo quản lý, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng khẳng định, những kết quả đạt được là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu thống nhất cho rằng: Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh, vượt dự báo. Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương phải thực hiện khối lượng công việc thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao; đồng thời xử lý nhiều việc cấp bách, đột xuất phát sinh và phải tiếp tục giải quyết những tồn đọng, hạn chế kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ ngày càng rõ hơn trong khó khăn.
Trong bối cảnh nêu trên, bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất sâu sát, chủ động nắm tình hình, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Qua đó, tình hình Kinh tế xã hội tiếp tục phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 tăng 3,25%. Thị trường tiền tệ, tỉ giá, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Bội chi ngân sách nhà nước, các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia thấp hơn giới hạn cho phép. Các cân đối lớn được bảo đảm: Thu ngân sách nhà nước vượt 8,12% dự toán; xuất siêu 28 tỷ USD; xuất khẩu hơn 8,3 triệu tấn gạo; an ninh năng lượng được bảo đảm; cơ bản bảo đảm cung cầu lao động.
Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, tuy không đạt mục tiêu đề ra nhưng là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. GDP cả năm 2023 tăng 5,05%, thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới. Cả 3 khu vực đều phát triển tốt; nông nghiệp tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua; công nghiệp phục hồi tốt; dịch vụ phát triển sôi động, du lịch phục hồi, đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế - vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách.
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2%; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 95% kế hoạch, cao hơn so cùng kỳ (91,42%); thu hút FDI đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay...
Khẳng định kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đồng thời lưu ý không được chủ quan, thỏa mãn vì còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần được khắc phục, tháo gỡ thời gian tới như: Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tới nước ta; thị trường quốc tế bị thu hẹp, sản xuất kinh doanh, tiếp cận tín dụng khó khăn; nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn; an ninh trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn diễn biến phức tạp...
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD
Theo báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tháng 12/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại buổi họp báo, về tình hình kinh tế vĩ mô, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2023 ước tính tăng 6,72%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%, khu vực dịch vụ tăng 7,29%. GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05%, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng là mức khá cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 12 tháng năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 4,16%. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối tương đối ổn định, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Tính đến ngày 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm.
Về thu, chi ngân sách nhà nước: Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2023 đạt 1.752,4 nghìn tỷ đồng, bằng 108,12% dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.731,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, tăng 10,9% so với năm 2022.
Về đầu tư phát triển: Giải ngân vốn đầu tư công cải thiện đáng kể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả năm ước đạt 95% kể hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 3,58% (91,42%), về số tuyệt đối cao hơn khoảng 142,56 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) năm 2023 đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022.
Về tình hình sản xuất, kinh doanh cho thấy, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản như ngành trồng trọt diện tích lúa cả năm 2023 ước đạt 7,12 triệu ha, tăng 10,1 nghìn ha so với năm 2022; năng suất lúa ước đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn.
Ngành chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định, chăn nuôi lợn và gia cầm đảm bảo nguồn cung cho thi trường. Tính đến cuối tháng 12/2023, đàn trâu giảm khoảng 1%, đàn bò tăng khoång 0,5%; đàn lợn tăng 4,2%, đàn gia cầm tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến ngày 18/12/2023, cả nước không còn dịch lợn tai xanh, dịch cúm gia cầm và dịch viêm da nổi cục; dịch lở mồm long móng còn ở Lạng Sơn và dịch tả lợn châu Phi còn ở 25 địa phương chưa qua 21 ngày.
Đối với ngành lâm nghiệp: Tính chung năm 2023, diện tích trồng rừng mới tập trung ước đạt 298,2 nghìn ha, giảm 2,7% so với năm 2022, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.722,3, tăng 51,5%. Diện tích rừng bị cháy là 674,5 ha, gấp 163 lần, diện tích rừng bị chặt, phá là 1.047,8 ha, giảm 3%.
Ngành thủy sản, tính chung năm 2023, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 9.312,3 nghìn tấn, tăng 2,2% so với năm 2022; trong đó, nuôi trồng ước đạt 5.455,8 nghìn tấn, tăng 4,2%, khai thác ước đạt 3.856,5 nghìn tấn, giảm 0,5%.
Sản xuất công nghiệp, tính chung năm 2023, IIP ước tăng 3,02% so với năm 2022, trong đó ngành chể biến, chế tạo tăng 3,62%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,79%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18%, ngành khai khoáng giảm 3,17%.
Đối với các hoạt động dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022 (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%), trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 673,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng, tăng 52,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 661,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2022, trong đó: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD.