Thứ hai 28/04/2025 03:54

Hồng Châu Yến và dấu hỏi sau những lọ yến 'thuần Việt'

Hồng Châu Yến, trong mọi lời quảng bá, luôn tô đậm hình ảnh thương hiệu 'thuần Việt', chưa từng công khai chuyện nhập khẩu. Nhưng, thực tế có hoàn toàn như vậy?

Yến sào là 'mỏ vàng trắng' của Việt Nam

Trong bản đồ các ngành nông nghiệp giá trị cao, yến sào chính là "mỏ vàng trắng" của Việt Nam. Ước tính mỗi năm, /chu-de/yen-sao-khanh-hoa.topic có thể tạo ra doanh thu hơn 600 triệu USD, với sản lượng khoảng 150 tấn tổ yến, trong đó riêng thị trường nội địa đã nuốt trọn gần 50 tấn. Với bờ biển dài, khí hậu nóng ẩm đặc thù, Việt Nam gần như được thiên nhiên ưu ái để nuôi chim yến, một lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có.

Bên cạnh đó, Việt Nam nắm trong tay nhiều lợi thế, từ kinh nghiệm nuôi yến truyền thống đến vị trí địa lý gần các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, khi hành lang pháp lý được hoàn thiện, Bộ Tiêu chuẩn Quốc gia về yến sào được ban hành và công tác giám sát được siết chặt, vi phạm bị xử lý nghiêm minh thì thị trường yến Việt Nam hoàn toàn có thể cất cánh vững vàng trên hành trình chinh phục thị trường quốc tế.

Yến sào được ví như 'vàng trắng', với dung lượng thị trường toàn cầu có giá trị lên trên 5 tỷ USD (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, đi cùng tiềm năng là hàng loạt thách thức hiện hữu, chẳng hạn như thực trạng hàng giả, hàng nhái yến sào. Trên thực tế, hiện có không ít gian thương sử dụng chiêu trò hóa phép sản phẩm rẻ tiền, hô biến những hỗn hợp mủ trôm, gelatin, bột rau câu, lòng trắng trứng… trở thành "tổ yến" xịn rồi bán với mức giá hàng triệu đồng. Hoặc phổ biến hơn là sự mập mờ về nguồn gốc nguyên liệu của yến sào.

Những kẻ làm giả thường gắn mác yến đảo nguyên tổ Việt Nam cho sản phẩm của mình dù thực chất chỉ là yến nuôi, yến vụn được nhập khẩu từ các quốc gia lân cận, chất lượng không được đảm bảo. Điều đó khiến người tiêu dùng thì hoang mang, doanh nghiệp làm ăn tử tế thì bị kéo lùi, còn thị trường thì ngập trong niềm tin vỡ vụn.

Đằng sau những tổ yến đậm chất Việt

Ngoài ra, giữa thời đại công nghệ số bùng nổ, những sản phẩm tổ yến mập mờ chất lượng đã không còn cần phải "lén lút". Chúng ngang nhiên "đổ bộ" vào thị trường, tung hoành ngang dọc qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, và được tiếp sức bởi những lời quảng cáo "có cánh", phóng đại về công dụng cũng như chất lượng sản phẩm.

Theo phản ánh của bạn đọc, thời gian qua, "sieuthidacsankiengiang.com" - website được giới thiệu là kênh phân phối chính thức cho thương hiệu Hồng Châu Yến tại tỉnh Kiên Giang (do ông Trần Đông Mẫn là chủ thể đăng ký sử dụng), đã đăng tải hàng loạt nội dung quảng cáo có dấu hiệu không đúng sự thật, thổi phồng công dụng. Một trong những ví dụ điển hình là sản phẩm "Yến Nhân Sâm - 50% Tổ Yến" được rao bán như thể là thuốc tiên, giúp hồi phục sức khỏe, trẻ hóa làn da, ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa, thậm chí… thúc đẩy trẻ nhỏ phát triển toàn diện.

Website có chức năng bán hàng, đặt hàng trực tuyến, thanh toán (Ảnh chụp màn hình)

Những tuyên bố trên hoàn toàn không có căn cứ khoa học, vi phạm nghiêm trọng Luật Quảng cáo 2012. Chúng không khác gì một "liều thuốc tinh thần" được trộn từ kỳ vọng và ngôn từ mỹ miều, nhằm đánh vào tâm lý nhẹ dạ của người tiêu dùng.

Không chỉ dừng lại ở vi phạm nội dung quảng cáo, website này còn có chức năng bán hàng, đặt hàng trực tuyến, thanh toán. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Hồng Châu Yến chưa hoàn tất thủ tục đăng ký, thông báo với Bộ Công Thương, thông qua địa chỉ web là "online.gov.vn" - Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang hoạt động ngoài vùng kiểm soát, vi phạm quy định về thương mại điện tử.

Tìm hiểu về Hồng Châu Yến, được biết, là do bà Châu Thị Như Thủy (sinh năm 1991) cùng chồng là Trần Đông Mẫn sáng lập. Khởi sự từ điểm sơ chế nhỏ, năm 2018, bà Thủy chính thức thành lập Doanh nghiệp tư nhân Hồng Châu Yến, đặt trụ sở tại 312 Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Rạch Giá, khi mới 27 tuổi. Đây là một trong hai showroom chính của thương hiệu tại địa phương, địa chỉ còn lại đặt ở số 5 đường Lý Nhân Tông, Khu Hoa Biển, phường Vĩnh Thanh.

Hồng Châu Yến dường như rất có duyên với yến sào, cho thấy sự mát tay hiếm thấy trong ngành hàng vốn nhiều thử thách. Ngay khi những bước đi đầu tiên khép lại, thương hiệu này đã mau chóng "lột xác" thành cái tên nổi bật của Kiên Giang, khi có cho mình sản lượng tổ yến ổn định và chiến lược phát triển sản phẩm đầy tham vọng.

Hồng Châu Yến khởi nghiệp từ những thương vụ nhỏ lẻ (Ảnh chụp màn hình)

Không dừng ở "vàng trắng", Hồng Châu Yến liên tiếp mở rộng danh mục, từ những đặc sản bình dân như nước mắm, khô cá, cho tới những mặt hàng cao cấp như huyết yến đảo, vi cá, bào ngư. Tốc độ bứt phá của Hồng Châu Yến khiến ngay cả những "tay chơi gạo cội" trong ngành cũng phải dè chừng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng và duy trì sản lượng ổn định cho thị trường yến sào, Hồng Châu Yến vừa tận dụng 4 nhà nuôi yến (thu hoạch khoảng 300kg mỗi năm), vừa chủ động xây dựng mạng lưới thu mua, hợp tác với các hộ dân trong khu vực, từ đó bổ sung thêm nguyên liệu cho chuỗi chế biến và phân phối.

Kết quả, trung bình mỗi tháng, Hồng Châu Yến tung ra thị trường khoảng 100kg yến các loại, theo chia sẻ của giới chủ thương hiệu. Các kênh phân phối của họ cũng khá đa dạng, nhờ liên kết được với những đối tác lớn như Long Beach Food, Co.opmart và nhiều cửa hàng, siêu thị tiện lợi khác. Tệp khách hàng của Hồng Châu Yến không còn bó buộc trong phạm vi các tỉnh lân cận, mà đã mở rộng ra các du khách, đối tác nước ngoài...

Tuy nhiên, đằng sau những ấn tượng về sản lượng và hệ thống phân phối là sự băn khoăn, trăn trở đối với Hồng Châu Yến. Dù trong mọi lời quảng bá, Hồng Châu Yến luôn khéo léo tô đậm hình ảnh một thương hiệu "thuần Việt", nhấn mạnh yếu tố "yến nuôi tại nhà" và "liên kết thu mua trong tỉnh". Họ chưa từng công khai chuyện nhập khẩu nguyên liệu, bất luận, thực ra là một trong số doanh nghiệp tích cực nhập tổ yến, chủ yếu là yến vụn, yến thô còn lẫn tạp chất, nuôi trong nhà từ nhà cung cấp Indonesia.

Bà Châu Thị Như Thủy, người sáng lập thương hiệu yến sào Hồng Châu

Theo tài liệu của Báo Công Thương, thông qua hai pháp nhân do bà Châu Thị Như Thủy làm chủ, bao gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Hồng Châu Yến - Phú Quốc đảo và Công ty TNHH Thương Mại - Dịch Vụ Hồng Châu Yến - Kiên Giang, họ đã đưa khối lượng lớn tổ yến Indonesia về Việt Nam với giá thành thấp hơn đáng kể so với giá bán thành phẩm. CV Cahaya Multi Kinori và CV Panca Bakti Utama là đối tác chính của Hồng Châu Yến, cho dù, danh tiếng và uy tín còn là ẩn số tại Indonesia.

Từ đó, dư luận dấy lên câu hỏi, phải chăng không phải tất cả những gì mang thương hiệu Hồng Châu Yến đều bắt đầu từ đất Kiên Giang? Tỷ lệ cụ thể giữa tổ yến nội địa và nhập khẩu trong các sản phẩm Hồng Châu Yến là bao nhiêu?

Để đảm bảo minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như làm rõ nghi vấn nêu trên, phóng viên Báo Công Thương đã nhiều lần liên hệ với bà Châu Thị Như Thủy qua số điện thoại cá nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm bài viết này được đăng tải, bà Thủy vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào.
Mỹ Oanh
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Kiên Giang