Hơn 4.000 hóa chất có trong khói thuốc lá
“Món ngon” khó bỏ
Việt Nam là một trong 15 nước được WHO xếp vào danh sách có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, khoảng 17 triệu người (năm 2017). Ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này, bất kể khoảng thời gian, không gian nào, bạn đều có thể bắt gặp ai đó đang phì phèo điếu thuốc. Khi mà các quy định mua thuốc lá vẫn chưa có những chế tài để kiểm soát, thì thuốc lá vẫn là “món” quen thuộc hàng ngày của nhiều người.
Thành Nguyên (26 tuổi), quận 9, TP.HCM cho biết: “Bản thân hút thuốc đã được 10 năm nay. Lúc đó, gia đình xảy ra nhiều biến cố, chỉ để giải sầu, mình đã tập làm quen với thuốc lá, thường xuyên bỏ học, tụ tập với bạn bè rồi hút thuốc từ lúc nào không hay”.
Nguyên và bạn bè mình đều từng nghe đến tác hại của khói thuốc qua những bài học trên lớp, nhưng khi hút rồi thì chẳng mấy ai quan tâm đến việc này. Từ đó, điếu thuốc trở thành bạn đồng hành, mang đến cảm giác thư giãn, giải tỏa áp lực, thậm chí hút vào thấy đã như một “món ngon” hấp dẫn và thật khó để bỏ.
Bỏ thuốc lá không phải là điều đơn giản với nhiều người (Nguồn internet) |
Khác với Nguyên, anh Đình Long, ngụ quận 4, TP.HCM đã từng bỏ được thuốc lá trong khoảng 3 năm nay nhưng khi công việc quá căng thẳng, thời gian gần đây, anh lại tìm đến thói quen hút thuốc lá. “Khi cầm gói thuốc và bắt đầu hút lại, tôi tin chắc nhiều người cũng như tôi là sẽ không suy nghĩ đến việc tiếc nuối cho khoảng thời gian cai thuốc thành công. Đôi lúc bạn sẽ có cảm giác hưng phấn khi bạn làm một việc đã lâu ngày không thực hiện” anh Long phân trần.
Anh cho rằng bất cứ ai hút thuốc cũng biết tác hại nhưng việc bỏ thuốc lá rất khó và không hề đơn giản. Quá trình này đòi hỏi sự quyết tâm lớn nhưng đôi lúc hoàn cảnh và sức ép công việc lại khiến người trong cuộc không thể bỏ được.
Đối mặt với bài toán khó
Khi nói về thuốc lá, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nicotine. Phần lớn người hút thuốc hiện nay, cả thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống, cơ bản là vì nhu cầu nạp nicotine. Việc được nói đến quá nhiều khiến chúng ta lầm tưởng nicotine là chất gây hại. Thật ra nicotine không đến mức có hại như chúng ta thường nghĩ. Nicotine tuy là chất gây nghiện nhưng không phải là nguyên nhân chính dẫn tới các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Các chuyên gia tại Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng ý rằng, những hợp chất độc hại được tạo ra trong quá trình đốt cháy thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh liên quan đến hút thuốc như ung thư phổi, các bệnh về tim mạch chứ không phải nicotine. Trong khói thuốc có trên 4.000 chất hóa học, trong đó khoảng 60 chất gây ung thư.
Đại diện WHO khẳng định: “Nếu phần lớn những người hút thuốc lá chuyển đổi sang sử dụng những sản phẩm cung cấp nicotine thay thế ít độc hại hơn, sau đó dần dần bỏ hẳn chúng, đó sẽ là thành công đáng kể của nền y tế công cộng”.
Những chất độc hại trong khói thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh liên quan đến hút thuốc. Ảnh: Getty Images |
Tổ chức Y tế Công cộng Anh cùng nhiều cơ quan chức năng và cơ quan y tế trên thế giới đã công nhận rằng những sản phẩm không khói thuốc lá như thuốc lá điện tử và thuốc lá hun nóng, tuy còn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa, hiện là sản phẩm thay thế có thể giảm tác hại so với thuốc lá điếu cho những người không thể bỏ hút thuốc.
Tuy nhiên, tại nước ta những sản phẩm thay thế không khói thuốc lá vẫn chưa có hành lang pháp lý để hỗ trợ cho những biện pháp truyền thống trong việc phòng chống tác hại thuốc lá. Tỉ lệ bỏ thuốc tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Những người hút thuốc, vốn có ý định chuyển đổi sang những sản phẩm thay thế, bắt buộc phải sử dụng những sản phẩm chưa được quản lý chặt chẽ.
Anh Nguyễn Hoàng, làm nghề luật sư (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết, đã cố gắng bỏ thuốc nhưng chưa được,“Mình đã dùng kẹo, miếng dán có chứa nicotine nhưng thật sự không hiệu quả. Gần đây mình có biết đến thiết bị hun nóng thuốc lá mà không đốt cháy, cũng muốn tìm hiểu nhưng ít thông tin quá. Mua ở bên ngoài thì ngại sản phẩm trôi nổi không tốt”.
Điếu thuốc là bài toán khó mà cả thế giới phải đối mặt trong nhiều thế kỷ. Thiết nghĩ, với những người không thể bỏ thuốc lá thì vấn đề đặt ra là nên chăng làm sao giảm thiểu tác hại quan trọng hơn là từ bỏ hoàn toàn thuốc lá. Hiện nay, một số quốc gia Châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, hàng triệu người không thể bỏ thuốc lá đã và đang chuyển đổi sang những sản phẩm không khói góp phần vào việc giảm tỉ lệ hút thuốc lá điếu nhanh và đáng kể.