6 trẻ em tử vong do virus Adeno và khuyến cáo của chuyên gia Trẻ nhiễm virus Adeno nguy hiểm như thế nào và cách phòng tránh |
Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch do virus Adeno, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.
76% trường hợp mắc bệnh do virus Adeno có chỉ định nhập viện |
Các địa phương chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo; hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh và tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh; không để lây lan và bùng phát ổ dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh do virus Adeno, trong đó tập trung vào nội dung khuyến cáo phòng chống lây nhiễm (thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch; che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi; không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là vật dụng có chất tiết của người bệnh...).
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương rà soát, điều tra, phân tích dịch tễ học các trường hợp mắc, tử vong do virus Adeno tại Bệnh viện Nhi Trung ương, kịp thời báo cáo và đề xuất các giải pháp phòng chống...
Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 9/2022 trên cả nước đã phát hiện 412 trường hợp mắc bệnh do virus Adeno, trong đó 324 trường hợp có chỉ định nhập viện, số mắc có xu hướng tăng từ tháng 8 năm 2022 đến nay. Đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong do virus Adeno.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Giám đốc Trung tâm Hô Hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương: Virus Adeno chia làm 7 nhóm từ A-G trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
Các tổn thương thường gặp nhất do mắc virus Adeno là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não, màng não…
Bệnh do virus Adeno gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân – hè hoặc thu – đông.