Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng, mở rộng thị trường xuất khẩu
Báo cáo của các bộ, ngành cho thấy: Năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có bởi những diễn biến nhanh, phức tạp, dị biệt của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nền kinh tế nước ta đã phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tích cực: GDP tăng trưởng cao nhất trong 12 năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát.
Đóng góp vào các thành tích chung đó, Bộ Công Thương dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - đã chủ động, sáng tạo trong triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đã đạt được kết quả quan trọng. Nổi bật về cơ bản đã đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng phục vụ sản xuất và tiêu dùng (mặc dù có thời điểm thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương nhưng đã được khắc phục kịp thời, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước).
Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với tốc độ tăng 8,1%, đóng góp gần 2,1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.
Xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển, lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước; duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD (cao gấp hơn 3,3 lần năm trước), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức ngày 19/8/2022 |
Bên cạnh đó, thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 20%, vượt 2,5 lần mục tiêu kế hoạch, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thương mại điện tử tăng trưởng cao, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước, đưa nước ta vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu tháng 1 năm 2023: Do có hai kỳ nghỉ tết (tết dương lịch và tết nguyên đán) nên thời gian làm việc trong tháng 1/2023 chỉ bằng 1/3 so với các tháng trước; đơn hàng bên ngoài giảm, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp Tết, vì vậy chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu trong tháng đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2023 vẫn duy trì xuất siêu 3,6 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 1,6 tỷ USD); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20% (cùng kỳ tăng 1,3%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công Thương hiện đang đối mặt với những khó khăn và tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục như: Sản xuất và xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt chậm cải thiện; sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế; Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI; Đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm và việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm; Sức mua trong nước hồi phục chậm. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.
Hội nghị này được tổ chức có ý nghĩa hết sức quan trọng khi năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đặc biệt, hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức: Tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại đáng kể (dự báo năm 2023 chỉ tăng khoảng 1,7%) do lạm phát còn diễn biến phức tạp, lãi suất tăng cao; tác động của xung đội Nga- Ucraina khiến đầu tư giảm và làm gián đoạn các nguồn cung nguyên liệu, suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu, tạo thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, về thị trường trong nước sức mua mặc dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Sản xuất và xuất khẩu vẫn đang gặp khó khăn do đơn hàng mới giảm, chi phí sản xuất cao do giá nguyên, nhiên liệu và chi phí logistic tăng cao; doanh nghiệp trong nước tiếp cận vốn còn khó khăn, lãi suất tăng cao. Do vậy, thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu vẫn là chìa khóa để duy trì tăng trưởng chung.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành sẽ lắng nghe những báo cáo cụ thể về khó khăn, thách thức, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu của các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Công Thương.
Đồng thời, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo một số bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận, bàn bạc tìm ra những giải pháp, định hướng để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đặc biệt đó là việc bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại...
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị.