Hội nghị Chuyển đổi số Việt Nam 2022: Nâng cao nguồn nhân lực số
Hội nghị do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với eduCLaaS - Nền tảng nâng cao kỹ năng số tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Confexhub - nhà cung cấp giải pháp mạng lưới các nhà lãnh đạo tư tưởng (Think-tank) tổ chức.
Hội nghị Chuyển đổi số Việt Nam 2022 |
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, có sự tham dự của hơn 400 đại biểu tham dự nhằm mục đích cung cấp kiến thức cho lĩnh vực công và tư, đồng thời thúc đẩy hợp tác song phương trong việc cải tiến nền giáo dục vì lợi ích chung toàn cầu, đồng hành cùng chương trình chuyển đổi số trong khu vực các nước ASEAN, cải thiện kỹ năng số và khả năng cạnh tranh số.
Theo báo cáo của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu Kearney, mặc dù nền kinh tế số ASEAN đang bị coi là tụt hậu, việc áp dụng thành công chương trình chuyển đổi số có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD vào tổng GDP của ASEAN trong 10 năm tới, giúp ASEAN vươn lên dẫn đầu về khả năng cạnh tranh toàn cầu với vị thế là một trong những trung tâm sáng tạo số hàng đầu thế giới.
Các quốc gia thành viên ASEAN đang tích cực thực hiện từng bước vững vàng trong hành trình chuyển đổi số. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng chưa từng thấy trong nhu cầu về kỹ năng số, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái giáo dục đào tạo thuận lợi cùng khả năng phát triển nguồn nhân lực số.
Tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố rất quan trọng đảm bảo thành công của chương trình chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, chiến lược phát triển nhân lực cho chuyển đổi số như: Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 80% người lao động được trang bị kỹ năng số, đến 2030 là 90%.
Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định mục tiêu chung là: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Với nhu cầu chuyển đổi số ngày càng gia tăng sự phát triển nhu vũ bão của các công nghệ, các hoạt động đào tạo cũng cần được đổi mới, phù hợp với nhu cầu dạy và học đang ngày càng thay đổi, đặc biệt là sau đại dịch Covid.
Theo báo cáo “Sinh viên và công nghệ 2022: Tái cân bằng trải nghiệm người học” của Educause, xu hướng hành vi của người học đang thay đổi rất nhanh trong 2 năm qua. Theo đó, phương thức học trực tuyến đang ngày càng được ưa thích hơn. Cụ thể, theo khảo sát trước ngày 11/3/2020, chỉ 4% cho biết họ muốn phương thức chủ yếu học online, con số đó đã tăng lên 9% vào năm 2022. Trong khi đó, số người muốn học online hoàn toàn năm 2022 là 20%, so sánh với 5% năm 2020.
Tiến sĩ Abdul Aziz, Chủ tịch Tập đoàn Confexhub cho biết, chúng tôi tin rằng cần có những thay đổi lớn trong việc tái suy nghĩ, tái định hình và tái tạo hệ sinh thái phát triển nhân lực có khả năng kết hợp việc học tập với thực hành, đào tạo ra lực lượng lao động tương lai với đủ các kỹ năng cần thiết để đóng góp cho sự phát triển bền vững, khả năng cạnh tranh cũng như khả năng phục hồi của các nước ASEAN.
Tại phiên khai mạc hội nghị, eduCLaaS ký kết hợp tác với Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ và Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICTU), thành lập Liên minh Kỹ năng số với mục tiêu thu hẹp khoảng cách kỹ năng số, nhằm thiết kế chương trình giảng dạy dựa trên năng lực, học đi đôi với hành, ứng dụng công nghệ, kết nối sinh viên với nhà tuyển dụng, tăng thu nhập, hướng tới quá trình chuyển đổi số toàn diện tại Việt Nam.