Hội Lương thực thực phẩm TP.Hồ Chí Minh: Kết nối giao thương thúc đẩy xuất khẩu
Đại hội FFA nhiệm kỳ 2018-2023 vừa được tổ chức đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ V gồm 31 thành viên để cùng nhau hỗ trợ DN thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh. Bà Lý Kim Chi đã tái đắc cử Chủ tịch FFA nhiệm kỳ này.
Thực phẩm của doanh nghiệp hội viên FFA tiêu thụ mạnh trong các kênh phân phối hiện đại |
FFA hiện có 400 hội viên, trong nhiệm kỳ IV, FFA thường xuyên cung cấp thông tin đến từng hội viên về chính sách pháp luật của nhà nước, phối hợp hỗ trợ và đưa ra các ý kiến mang tính tham vấn cho các cơ quan, ban, ngành để từ đó Chính phủ kịp thời xây dựng, đưa ra các chính sách đúng đắn, giúp DN vượt qua khó khăn.
Theo bà Chi, trong nhiệm kỳ vừa qua, có nhiều vấn đề mà chỉ khi Thủ tướng Chính phủ lên tiếng chỉ đạo, yêu cầu giải quyết thì cơ bản các khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh của DN mới được giải quyết. Chẳng hạn trong vấn đề lưu thông hàng hóa trên thị trường các quy định hiện đang rất chồng chéo, sau 6 tháng đấu tranh quyết liệt, Chính phủ đã đồng ý sửa đổi theo hướng ban hành nghị định mới. Khi DN thực hiện theo nghị định mới, không chỉ giảm trên 90% chi phí hành chính mà còn giúp DN tiết kiệm 10 triệu ngày công và khoảng 3.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, các bất cập mà DN hội viên liên tục phản ánh khi thực hiện thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định về sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm khi sản xuất, công bố và đưa sản phẩm ra thị trường. FFA đã kiến nghị lên Chính phủ, tổ công tác Thủ tướng Chính phủ sau đó đã ban hành kết luận, yêu cầu các ban, ngành trực thuộc “chỉ kiểm tra các DN sản xuất muối i-ốt, không kiểm tra các DN sản xuất thực phẩm có sử dụng muối i-ốt”, các khó khăn cơ bản mới được tháo gỡ.
Theo đánh giá của FFA, trong nhiệm kỳ mới, thị trường trong và ngoài nước được dự báo là có nhiều biến chuyển khó lường cùng với sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các DN phải nỗ lực thay đổi để thích ứng. Vì vậy, các thành viên điều hành FFA đã vạch ra đường lối cụ thể hỗ trợ DN hội viên. Cụ thể, FFA tư vấn hỗ trợ DN đổi mới công nghệ ổn định chất lượng, xây dựng thương hiệu mạnh, phát triển thị phần, kết nối giao thương và hỗ trợ xuất khẩu.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, FFA cần tiếp tục phát huy vai trò cầu nối phản biện các chính sách của nhà nước, tiếp tục hưởng ứng các chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung - cầu...
Tại đại hội, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 và FFA đã ký kết hợp tác chương trình Kiểm soát dư lượng trong thực phẩm với mục đích hỗ trợ nhà sản xuất chứng minh sản phẩm đáp ứng quy định về giới hạn dư lượng tối đa cho phép của Việt Nam. Chứng minh việc tuân thủ các yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng, các chương trình về an toàn thực phẩm. Tạo sự khác biệt giữa sản phẩm có kiểm soát dư lượng với các sản phẩm khác thông qua dấu chứng nhận FFA-QUATEST 3.