Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 16): Vị thế mở trong giao dịch hàng hoá
Vị thế mở là một khái niệm khá phổ biến với nhà đầu tư trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, người mới tham gia hoặc tìm hiểu thị trường hàng hóa đa phần chưa hiểu rõ sự khác nhau giữa các loại vị thế mở cũng như việc tất toán vị thế một cách hợp lý.
Hình minh họa |
Trong số hôm nay, Báo Công Thương sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn đọc liên quan đến vấn đề này. Bạn Nguyễn Tiến Long (Tp. Hồ Chí Mình) hỏi: “Vị thế mở trong giao dịch hàng hóa là gì?” Bạn Lê Hữu Đồng (Gia Lai) hỏi: “Tất toán vị thế mở trong giao dịch hàng hoá là gì và quy định thời hạn tất toán như thế nào?”
Vị thế mở trong giao dịch hàng hóa là gì?
Vị thế mở là tổng khối lượng hợp đồng phát sinh trong giao dịch nhưng chưa được thực hiện tất toán hoặc thực hiện nghĩa vụ giao nhận.
Vị thế mở được chia làm 2 loại: vị thế mở mua và vị thế mở bán.
Vị thế mở mua (long position): là tổng khối lượng hợp đồng được mua trong giao dịch nhưng chưa được bán lại hoặc thực hiện nghĩa vụ giao nhận. Nhà đầu tư nắm giữ vị thế mở mua một hợp đồng để kỳ vọng giá của hợp đồng đó sẽ tăng lên trong tương lai và sẽ bán lại để thu về lợi nhuận từ sự chênh lệch giữa giá mua thấp và giá bán cao hơn, hoặc nhà phòng vệ giá (hedge) nắm giữ vị thế mở mua để phòng ngừa rủi ro tăng giá trong tương lai.
Vị thế mở bán (short position): là tổng khối lượng hợp đồng được bán trong giao dịch nhưng chưa được mua lại hoặc thực hiện nghĩa vụ giao nhận. Nhà đầu tư nắm giữ vị thế mở bán một hợp đồng để kỳ vọng giá của hợp đồng đó sẽ giảm xuống trong tương lai và nhà đầu tư sẽ mua lại để thu về lợi nhuận từ sự chênh lệch giữa giá bán cao và giá mua thấp hơn, hoặc nhà phòng vệ giá (hedge) nắm giữ vị thế mở bán để phòng ngừa rủi ro giảm giá trong tương lai.
Tất toán vị thế mở trong giao dịch hàng hóa là gì?
Tất toán vị thế (đóng vị thế, tất toán trạng thái) là việc thực hiện các giao dịch đối ứng (là các giao dịch cùng hợp đồng nhưng ngược chiều đối với các vị thế đang mở). Việc tất toán có thể được thực hiện tất toán một phần hoặc toàn bộ vị thế mở tuỳ theo khối lượng của giao dịch đối ứng. Vị thế giao dịch mở và các giao dịch đối ứng có thể có ngày giao dịch khác nhau.
Quy định về thời hạn phải tất toán vị thế trong giao dịch hàng hóa?
Trong giao dịch hàng hóa phái sinh, nếu không tham gia vào quá trình giao nhận hàng vật chất, người nắm giữ vị thế mở sẽ phải thực hiện tất toán vị thế mở khi đến hạn. Có quy định khác nhau về việc tất toán vị thế mở mua/bán khi đến ngày đáo hạn. Vị thế mở mua sẽ phải thực hiện tất toán trước ngày thông báo đầu tiên, vị thế mở bán sẽ được nắm giữ tới trước ngày giao dịch cuối cùng. Trong đó:
Ngày thông báo đầu tiên: là ngày mà người nắm giữ vị thế mở mua sẽ phải xác nhận với Sở Giao dịch hàng hoá có tham gia quá trình giao nhận hàng vật chất không? Nếu người nắm giữ vị thế mở mua không tham gia vào quá trình giao nhận hàng vật chất, người nắm giữ vị thế mở mua phải thực hiện tất toán vị thế. Theo quy định của MXV, tất cả các vị thế mở mua phải thực hiện tất toán trước 1-2 ngày làm việc so với ngày thông báo đầu tiên. Nhà đầu tư có thể mở mới hợp đồng mặt hàng đó ở kỳ hạn xa hơn. Những vị thế được mở sau ngày thông báo đầu tiên sẽ lập tức bị đóng lại, tức nhà đầu tư không mở mới được vị thế.
Ngày giao dịch cuối cùng: là ngày cuối cùng mà hợp đồng đó còn có thể được giao dịch trên thị trường. Với những người nắm giữ vị thế mở bán, nếu không tham gia vào quá trình giao nhận hàng vật chất, sẽ phải thực hiện tất toán vị thế mở bán. Theo quy định của MXV, tất cả các vị thế mở bán phải thực hiện tất toán trước 2 ngày làm việc so với ngày giao dịch cuối cùng.
Nhà đầu tư có thể theo dõi dữ liệu về vị thế mở các sản phẩm đang được niêm yết và giao dịch tại MXV theo đường link: https://mxv.com.vn/thi-truong.html
Bạn đọc có câu hỏi liên quan đến vấn đề giao dịch hàng hóa vui lòng gửi về email: baodientubct@gmail.com hoặc info@mxv.vn. |