Hoạt động kiểm toán góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ
Cảnh báo sớm những rủi ro gây mất an toàn hệ thống
Ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới để bắt kịp sự phát triển chung của thế giới. Song hành với sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, Kiểm toán nhà nước đã đưa ra những tư vấn có giá trị và kịp thời giúp Ngân hàng Nhà nước điều hành hoạt động một cách có hiệu quả, thực chất, đáp ứng được yêu cầu đối mới của đất nước.
Trong những năm qua, Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán các nội dung liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như: Công tác điều hành chính sách tiền tệ, cung ứng tiền mặt, điều hành tỷ giá, công tác thanh toán, quản lý dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, công tác xử lý nợ tồn đọng..., thực hiện kiểm toán các chuyên đề, như: Chuyên đề tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với việc phòng chống dịch Covid-19, kiểm toán hệ thống/dự án công nghệ thông tin.
“Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã đưa ra các nhận xét, đánh giá về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị được kiểm toán. Các kiến nghị giúp sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, cách làm, giải pháp; phát hiện, cảnh báo những lỗ hổng chính sách, những hậu quả có thể xảy ra; đảm bảo cho Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị được kiểm toán tuân thủ đúng pháp luật, chế độ quản lý tài chính, kế toán, hoàn thành nhiệm vụ được giao và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn”, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Hoạt động kiểm toán góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ |
Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán đối với công tác thanh tra, giám sát, cấp phép, xử lý ngân hàng yếu kém và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Trên cơ sơ các nhận định, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục: Chú trọng tập trung nguồn lực thanh tra vào các đối tượng, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh tiêu cực và sai phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các rủi ro, sai phạm của tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng; tăng cường và đổi mới công tác giám sát, đặc biệt là giám sát vi mô; giám sát, cảnh báo sớm rủi ro đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, các tổ chức tín dụng có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, hoạt động yếu kém, nguy cơ gây mất ổn định, an toàn hệ thống.
Thêm căn cứ tính toán giảm chi phí, lãi suất cho vay
Đặc biệt, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII và Vụ Kiểm toán nội bộ, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực trao đổi thông tin, đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo hai đơn vị để xây dựng, thiết lập mối quan hệ, tăng cường hợp tác mạnh mẽ, có chiều sâu, giúp hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước cũng như hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước được thuận lợi, đạt hiệu quả cao. Từ tháng 9/2014, Kiểm toán nhà nước và Ngân hàng Nhà nước đã ký Quy chế phối hợp công tác số 07/QCPH- KTNN-NHNN. Căn cứ Quy chế phối hợp này, hai cơ quan đã tăng cường chặt chẽ, nâng cao hiệu quả và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần to lớn trong việc đảm bảo hiệu quả quản lý sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước.
Đến năm 2021, Kiểm toán nhà nước đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện Quy chế làm việc; đồng thời, hai bên đã rà soát, ký kết Quy chế phối họp mới Văn bản số 1598/QCPH- KTNN-NHNN ngày 16/9/2021 để tiếp tục phát huy lợi thế hợp tác, phát triển giữa hai cơ quan.
Kiểm toán nhà nước để lại những dấu ấn rõ nét, có vai trò quan trọng trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước |
Có thể nói, Kiểm toán nhà nước để lại những dấu ấn rõ nét, có vai trò quan trọng trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. Trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cùng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, bảo đảm các nguồn lực tài chính, tài sản công được sử dụng một cách tiết kiệm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá, thông qua công tác kiểm toán hằng năm, Kiểm toán nhà nước đã giúp Chính phủ, Quốc hội có cái nhìn toàn diện về công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, nhất là hiệu quả trong việc sử dụng các công cụ, biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia.
“Các đánh giá, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đã hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc thực thi các nhiệm vụ về điều hành chính sách tiền tệ, nâng cao hiệu quả điều hành, cải cách chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Hiện nay, trong công tác kiểm toán hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, việc xem xét bối cảnh kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều kiện, tâm lý thị trường là hết sức cần thiết để có những đánh giá khách quan về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước giúp các tổ chức tín dụng xác định xem các chi phí vận hành nội bộ đã hợp lý chưa. Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, “những đánh giá của Kiểm toán nhà nước về chi phí vận hành nội bộ là một trong những cơ sở, căn cứ để các tổ chức tín dụng tính toán giảm chi phí, lãi suất cho vay một cách phù hợp”, TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.