Hoạt động kiểm toán giúp địa phương nâng cao năng lực quản lý về xây dựng
Giảm 50% thời gian cấp phép xây dựng
Việc cấp phép xây dựng sao cho đúng đối tượng, đảm bảo quy định là những trăn trở lâu nay của nhiều cấp quản lý, nhất là ở địa phương, ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, hiện Vĩnh Phúc đang căn cứ vào Quyết định số 43/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phân cấp cho các cơ quan cấp phép xây dựng, trong đó có Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp và UBND các huyện.
Theo đó, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc chỉ cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình cấp 2 trở lên; cấp 3 trở xuống phân cấp cho UBND huyện, trừ các công trình trong khu công nghiệp.
“Hiện nay, để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, Vĩnh Phúc cũng đã rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 20 ngày theo quy định của Luật Xây dựng xuống còn 10 ngày, giảm 50% thời gian và tại Sở Xây dựng, việc cấp phép cũng được giải quyết theo thủ tục hành chính cấp độ 4” - ông Hà cho hay và khẳng định: “Công tác cải cách thủ tục hành chính của chúng tôi đang được đánh giá là nhanh, gọn và không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”.
Chia sẻ về việc quản lý quy hoạch cấp phép xây dựng tại địa phương, lãnh đạo Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho hay, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, đơn vị tập trung đẩy nhanh công tác quản lý quy hoạch cũng như cấp phép xây dựng. Đặc biệt, Sở Xây dựng đã tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương điều chỉnh. Hiện nay, Vĩnh Phúc đang xin ý kiến Bộ Xây dựng về thiết kế.
Đội Quản lý trật tự đô thị TP Phúc Yên kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn, đảm bảo đúng theo giấy phép xây dựng. Ảnh Văn Nhất |
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng tham mưu UBND tỉnh, xin ý kiến của Bộ Xây dựng đối với 7 đồ án quy hoạch phân khu phát triển du lịch, dịch vụ; đôn đốc các huyện trình phê duyệt các quy hoạch vùng, huyện và 3 quy hoạch chung khu đô thị loại 4, đô thị loại 5 theo Kế hoạch của Chính phủ về phân loại đô thị… để làm cơ sở quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng.
“Các đồ án quy hoạch được lập đều đảm bảo sự đồng bộ và kế thừa giữa quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các quy hoạch ngành, đảm bảo các trình tự, quy trình của pháp luật” - ông Hà nói.
Còn nhiều vi phạm về trật tự xây dựng
Dù đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác quản lý trong lĩnh vực xây dựng, tuy nhiên qua thực tế kiểm toán tại nhiều địa phương, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều bất cập, trong đó có việc nhiều địa phương chưa tổ chức kiểm tra hành vi vi phạm trật tự xây dựng kịp thời, chưa bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Từ thực tế ở Vĩnh Phúc, ông Hà cho hay, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng nhanh như hiện nay dẫn đến sự bùng nổ về khối lượng công việc đầu tư xây dựng quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Nhiều cá nhân cũng như chủ đầu tư đã vì lợi ích riêng mà không tuân thủ theo các trình tự, quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng dẫn đến vi phạm trật tự xây dựng.
“Các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng không chỉ xảy ra ở các khu đô thị mà ở cả các vùng nông thôn, đặc biệt là ở các khu vực đô thị mới và dọc các tuyến đường mới mở” - ông Hà nêu thực trạng.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, đối với công tác quản lý trật tự xây dựng theo phân cấp của tỉnh hiện nay, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương cấp huyện, các bộ phận chuyên môn như: Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế hạ tầng; cấp xã thì giao cho địa chính xã.
Bởi vì phân cấp, các cán bộ được giao nhiệm vụ tại các địa phương ít, mỗi phòng chỉ có từ 5-7 công chức và phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ; còn địa chính thì chỉ có 1 người. Do đó, việc kiểm soát tình hình xây dựng trên địa bàn rất khó khăn dẫn đến việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng chưa được kịp thời.
Trước thực trạng đó, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã đề ra một số biện pháp nhằm đảm bảo việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn: Tăng cường công tác giám sát và quản lý trật tự xây dựng; ban hành kế hoạch phân cấp nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương và các ngành; tham mưu UBND tỉnh quyết định phân cấp ủy quyền quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn và hướng dẫn các huyện, thành phố lập quy chế quản lý trật tự xây dựng.
“Ngoài những biện phát trên, theo tôi cũng cần huy động mọi thành phần, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý trật tự xây dựng nhằm phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm” - ông Hà nói.
Khu Chung cư Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) là một trong 5 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp đã được hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh Nguyễn Khánh |
Về việc đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội, theo ông Hà, hiện nay tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc rất quan tâm và tập trung chỉ đạo vấn đề này. Đến nay, Vĩnh Phúc đã có 5 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng tại khu công nghiệp Khai Quang, Vinaconex Xuân Mai, Công ty Honda, phường Liên Bảo và phường Phúc Thắng.
“Các dự án này đã cung cấp được 1.623 căn dành cho công nhân và người thu nhập thấp, đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn trước mắt” - ông Hà khẳng định.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cũng cho biết thêm, có 4 dự án khác đã được UBND tỉnh cấp quyết định, chủ trương đầu tư với khả năng cung ứng khoảng 2.618 căn, dự kiến được thực hiện và hoàn thành vào quý II/2024.
Để tiếp tục triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới, Sở Xây dựng đã tham mưu và đề xuất UBND tỉnh về 28 vị trí để thực hiện nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong đó, có 22 khu vực nhà ở xã hội dự kiến được đầu tư xây dựng để phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn với quy mô khoảng 183,39 ha.
“UBND tỉnh đã đồng ý và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc và Sở Xây dựng để làm cơ sở kêu gọi thu hút đầu tư trong thời gian tới” - ông Hà nói và cho biết thêm, 6 vị trí còn lại có quy mô khoảng 36,4ha được bố trí tại các khu, cụm công nghiệp Yên Đồng, Đồng Sóc, Nam Bình Xuyên, Hoàng Đan, Hoàng Lâu theo phương án quy hoạch tỉnh.
“Với các dự án nhà ở xã hội được triển khai tại 28 khu vực dự kiến này sẽ đảm bảo nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới” - Lãnh đạo Sở Xây dựng Vĩnh Phúc khẳng định.
Cho rằng các hoạt động của Kiểm toán nhà nước thường xuyên, hằng năm đối với các lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng và cấp phép xây dựng hiện nay rất quan trọng, lãnh đạo Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho biết, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra cho tỉnh những bất cập trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là công tác bố trí nguồn vốn, giải ngân.
“Qua kiểm toán, địa phương hoàn thiện và nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch xây dựng và cấp phép xây dựng trên địa bàn, tạo ra sự minh bạch và phản ánh trung thực các thông tin, số liệu về hoạt động tài chính của đơn vị để chúng tôi thực hiện đúng theo quy định của pháp luật” - ông Hà cho hay và bày tỏ mong muốn, hoạt động của Kiểm toán nhà nước trong thời gian tới sẽ gắn với hoạt động chuyển đổi số của địa phương theo hướng áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán.