Tăng cường hiệu quả công tác phòng vệ
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với xu thế bảo hộ xuất hiện tại một số khu vực, nền kinh tế, các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng. Một số ngành sản xuất trong nước của Việt Nam cũng phải chịu áp lực cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường, vì vậy, trong một số trường hợp cần đến công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành cũng như của nền kinh tế.
PVTM là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong chính sách thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế |
Theo Cục PVTM, Bộ Công Thương, các biện pháp PVTM giúp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời bảo vệ, tạo không gian phát triển cho các ngành sản xuất trong nước khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Đặc biệt, việc sử dụng, ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đã đề ra chủ trương chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Thực hiện chủ trương này, thời gian qua Chính phủ, các Bộ, ngành đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế cũng như các chính sách, chương trình, đề án, cơ chế phối hợp về PVTM trong tình hình mới. Trong đó, việc ban hành Đề án "Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" (Đề án) được Cục PVTM nhận định là một nỗ lực quan trọng theo hướng này. Đề án tạo ra khuôn khổ toàn diện, tổng thể để tạo điều kiện tăng cường hiệu quả công tác PVTM, bảo vệ hợp pháp và hợp lý sản xuất trong nước, có chiến lược và cơ chế phối hợp nhằm ứng phó hiệu quả với các vụ kiện PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế
Thông tin về quá trình xây dựng Đề án, Phó Cục trưởng Cục PVTM - bà Phạm Châu Giang - cho biết, Đề án đã được Bộ Công Thương triển khai từ tháng 7/2020. Để xây dựng đề án, Bộ Công Thương đã thực hiện các nghiên cứu, báo cáo về thực tiễn hoạt động PVTM, tổng kết thực thi pháp luật, dự báo bối cảnh triển khai các FTA, từ đó thấy được các hạn chế, vướng mắc hiện nay để đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác PVTM trong thời gian tới. Trong quá trình xây dựng, Bộ Công Thương cũng đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, cũng như hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu đối với các nội dung của Đề án.
Đề án xác định PVTM là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong chính sách thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, theo bà Phạm Châu Giang, mục tiêu chung của Đề án là nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về PVTM để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế, phù hợp với các FTA thế hệ mới và đảm bảo lợi ích của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; sử dụng hiệu quả các quy định về PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Đề án cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đó là: Hoàn thiện pháp luật, chính sách về PVTM; nâng cao năng lực điều tra, áp dụng biện pháp PVTM; tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực PVTM; đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền về PVTM; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PVTM.
Trên cơ sở này, lãnh đạo Cục PVTM cho biết, Đề án đưa ra mục tiêu nâng cao năng lực về PVTM đến năm 2030. Tuy nhiên, để việc triển khai Đề án theo sát những thay đổi về bối cảnh thực hiện và phù hợp với hoàn cảnh thực tế, Đề án đã đưa ra các giai đoạn triển khai, cụ thể: Giai đoạn 2022-2025, tập trung rà soát tổng thể văn bản pháp luật trong lĩnh vực PVTM từ đó đề xuất sửa Luật Quản lý ngoại thương hoặc xây dựng Luật PVTM; xây dựng cơ sở dữ liệu một số ngành công nghiệp nền tảng và nông nghiệp trọng điểm để nâng cao năng lực về PVTM; số hóa công tác điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để giảm gánh nặng hồ sơ cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong việc ứng phó với các vụ việc điều tra chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu.
Giai đoạn 2025-2030, trên cơ sở tổng kết việc triển khai giai đoạn 2022-2025 sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về PVTM (bao gồm xây dựng hoặc sửa luật, nghị định, thông tư liên quan trong lĩnh vực PVTM); hoàn thiện cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp nền tảng và nông nghiệp trọng điểm; tăng cường tiếng nói của Việt Nam về PVTM trên các diễn đàn khu vực và quốc tế để đảm bảo quyền và lợi ích trong quá trình thực thi các FTA.
“Hiện, Cục PVTM được Bộ Công Thương giao làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ban, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án”, bà Phạm Châu Giang cho hay.
Để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường, phát triển xuất nhập khẩu bền vững, công tác xây dựng và củng cố cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các ngành sản xuất, hiệp hội, doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn pháp lý về PVTM hết sức quan trọng. |