Hoàn thành đóng điện đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống trước 30/6/2024
Nhằm hiện thực hoá chủ trương hợp tác năng lượng giữa Việt Nam - Lào, Chính phủ đã giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)/Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đầu tư dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống nhằm mục đích nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy thủy điện Nậm Sum (Lào) về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện khu vực miền Bắc.
Đường dây đoạn trên lãnh thổ Việt Nam có tổng chiều dài 130 km, với 99 khoảng néo, 299 vị trí móng cột, từ điểm đấu nối G1 tại biên giới Việt Nam - Lào đến Trạm biến áp 220kV Nông Cống hiện hữu. Tuyến đi trên địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu thuộc tỉnh Nghệ An và các huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Dự án được khởi công tháng 12 năm 2021, theo kế hoạch phải hoàn thành vào tháng 1 năm 2024. Tính đến giữa tháng 3/2024, dự án mới hoàn thành đúc móng hơn 252 vị trí; hoàn thành lắp dựng cột 233/299 vị trí; hoàn thành kéo dây 19/99 khoảng néo; đang thi công đồng loạt tại các vị trí đã bàn giao mặt bằng và đủ điều kiện thi công.
Thi công vị trí đường dây 220kV Nậm Sum- Nông Cống |
Tuy nhiên, báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng (Ban chỉ đạo) ngày 9/4, ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc EVNNPT cho biết, mặc dù được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền các địa phương và các cấp có thẩm quyền nhưng dự án vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; làm đường thi công... Dự án còn tới 43 vị trí cột chưa bàn giao mặt bằng.
Thông tin tại cuộc họp, Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An cho biết, đối với đường dây 220 kV Nậm Sum – Nông Cống, mặc dù đã có Nghị định 27/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 của Chính phủ hướng dẫn Luật Lâm nghiệp nhưng hiện địa phương đang gặp vướng mắc liên quan đến phương án làm đường tạm qua rừng tự nhiên đối với cây có đường kính trên 20 cm thì không được chặt hạ, làm thay đổi hướng tuyến, gây khó khăn cho các nhà thầu. Tỉnh cũng đang chỉ đạo các cơ quan, ban ngành địa phương sớm hoàn tất thủ tục để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước 30/4 để 30/6 hoàn thành dự án.
Liên quan đến vướng mắc này, ông Nguyễn Hữu Thiện -Đại diện Cục Kiểm Lâm – Bộ NN&PTNT cho biết, Nghị định 27 đã quy định sử dụng tạm đất rừng chứ không phải là chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nên phải tuân thủ. Hơn nữa, đối với địa bàn Thanh Hoá chỉ vướng 1-2 vị trí.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vướng mắc cho chủ đầu tư về mặt bằng và hỗ trợ trong quá trình thi công. Đối với vướng mắc về sử dụng tạm đất rừng, đề nghị EVN/EVNNPT có văn bản gửi Ban Chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có hướng dẫn cụ thể.
Về tiến độ đường dây, theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải hoàn thành, đóng điện trước 30/6/2024. Nếu các địa phương đến 30/4 mới hoàn thành bàn giao mặt bằng thì chỉ còn 2 tháng thi công sẽ không kịp. Do vậy cần bàn giao sớm đến 15/4 để cho nhà thầu thi công.
Được biết, đến thời điểm này, EVN và chủ đầu tư các dự án điện tại Lào đã ký 5 hợp đồng mua bán điện từ 10 nhà máy với tổng công suất là 459 MW thông qua đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống.