Hòa Bình: Thiệt hại nặng nề sau mưa lũ
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, đến ngày 10/9, trên địa bàn tỉnh đã hết mưa, chỉ cục bộ mưa nhỏ tại một số điểm. Mực nước các sông đã giảm xuống dưới mức báo động I.
Tính đến 15h ngày 9/9, đối với thiệt hại về người, 01 trường hợp ở xã Liên Sơn Lương Sơn mất tích do lũ cuốn trôi đã tìm thấy xác lúc 04h ngày 9/9. Số người phải sơ tán có 347 người trên địa bàn huyện Lương Sơn, 19 hộ dân trên địa bàn huyện Kim Bôi; 148 người phải giải cứu do mặc kẹt dọc sông Bùi (Lương Sơn); di dời 4 hộ dân do sạt lở đất trên địa bàn TP Hoà Bình.
Lực lượng công an tỉnh hỗ trợ di dời dân và tài sản đến nơi an toàn |
Về nhà ở: Đổ sập hoàn toàn 1 nhà dân tại huyện Lương Sơn; 3 nhà sạt lở, ngập úng tại huyện Đà Bắc; 1 nhà đổ sập tại huyện Kim Bôi; 10 nhà sạt lở đất, ngập úng tại TP Hoà Bình.
Thiệt hại về sản xuất: Có 771,39 ha cây trồng bị vùi lấp, ngập úng, bao gồm 563,29 ha lúa, 196,2 ha hoa màu, 11,9 ha cây trồng lâu năm và cây ăn quả; 35 con gia súc bị chết, 53 con lợn bị cuốn trôi, 4.994 con gia cầm bị chết; 220 đàn ong bị thiệt hại; 43,8 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại tại huyện Lương Sơn, 1,7 tấn cá thiệt hại do tràn ao tại huyện Đà Bắc, 0,8 ha ao cá bị thiệt hại tại TP Hoà Bình.
Về công trình thủy lợi: Tại huyện Lương Sơn, thiệt hại 100m kè chắn lũ, trên 300 km kênh mương tại các xã hư hỏng; 4 công trình thủy lợi hư hỏng. Huyện Kim Bôi, 90 m3 đá hộc bị cuốn trôi do vỡ 9 bai; 960 m3 đất đá bồi lấp tại cửa vào trạm bơm, máy thủy luân.
Theo ông Bùi Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn. Trong đó, nước lũ gây ngập nhà xưởng của Công ty 3T VINA (xóm Ghên, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Công nhân Công ty may 3T VINA khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Ảnh (ĐVCC) |
TP Hoà Bình, đoạn kè bờ sông (chân cầu Đen từ suối Chăm đổ ra sông Đà) tính đến 6h sáng ngày 9/9, tình trạng sạt lở tiếp tục mở rộng về phía thượng lưu, sạt lở lên cơ kè, có nguy cơ tiếp tục sạt lở gây mất an toàn nghiêm trọng đến đoạn kè bờ sông. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố tiếp tục sạt lở đất sản xuất bờ sông Đà khu vực các xóm: Độc Lập, Trung Thành, Hạnh Phúc, xã Thịnh Minh.
Thiệt hại về giao thông: Huyện Lương Sơn sạt lở khoảng 1.350 m3; chiều dài đường bị xói mòn, hư hỏng 2.925 m tại các xã Thanh Cao, Thanh Sơn, Cao Dương,... Huyện Đà Bắc sạt lở 15 điểm, ước khối lượng đất đá sạt lở xuống lòng, lề đường khoảng 4.300m3. TP Hoà Bình tiếp tục sạt lở các khu vực đã bị ảnh hưởng trong các đợt thiên tai vừa qua như: Khu vực 2 bên kè chân cầu Ngòi Mại, xã Hợp Thành; sạt lở đất đá taluy khu vực tổ Vôi, phường Thái Bình.
Về thiệt hại khác: Huyện Lương Sơn có 145 giếng nước sinh hoạt bị ngập; đổ 524m tường bao; sạt lở 01 cột điện 0,4KVA và đổ nghiêng 01 cột điện 35KVA ở xã Liên Sơn. Huyện Đà Bắc đổ sập 45m tường rào tại Trạm Y tế thị trấn Đà Bắc, Trung tâm Chính trị huyện Đà Bắc, Trung tâm xã Hào Lý (cũ). Huyện Kim Bôi bị đổ sập 520m tường rào.
Ngoài những thiệt hại kể trên, thì tính đến chiều ngày 10/9 đã ghi nhận thêm thiệt hại do mưa lũ tại huyện Lạc Thủy. Cụ thể, trên địa bàn huyện có 135 nhà ngập cục bộ, hiện nước đã rút; 160,2 ha ao, hồ bị ngập.
Về giao thông, sạt lở mái taluy 520 m đường 438 B; đường giao thông nông thôn có 5 điểm sạt lở mái taluy ở xã Hưng Thi; đường giao thông nông thôn bị chia cắt 14 điểm do sạt lở tại các xã Thống Nhất, Hưng Thi, Đồng Tâm, Khoan Dụ, An Bình và thị trấn Chi Nê. Ngoài ra, trường TH&THCS Lạc Long bị sạt 10 m tường chắn đất phía sau trường học. Trong huyện đã bị đổ sập 125 m tường bao.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đến thời điểm hiện tại, ở các huyện, thành phố, điểm ngập tại các khu dân cư, tuyến đường giao thông nước đã rút. Chính quyền các cấp đã khẩn trương rà soát, hỗ trợ người dân trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, dọn dẹp vệ sinh, môi trường, khôi phục sản xuất và tiếp tục tổng hợp thiệt hại để báo cáo theo quy định.
Lực lượng chức năng của Hòa Bình triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn người dân bị ảnh hưởng của mưa lũ |
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra theo tinh thần chỉ đạo tại Công điện số 803/CĐ-TTg ngày 9/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với gia đình có người chết, chính quyền địa phương chủ động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ số tiền 4 triệu đồng. Đối với nhà ở, UBND xã nơi có thiệt hại huy động lực lượng xung kích tại địa phương hỗ trợ các hộ dân dọn dẹp nhà cửa. Đánh giá các nhà nguy cơ mất an toàn để bố trí di dời các hộ đến nơi ở khác trong mùa mưa bão.
Các diện tích lúa bị ngập, chính quyền địa phương đã chỉ đạo người dân kiểm tra đồng ruộng, đánh giá thiệt hại, huy động lực lượng dọn dẹp, đắp bờ... Các diện tích lúa không khắc phục được thì tiến hành dọn dẹp đồng ruộng, chuyển sang trồng ngô, rau đậu các loại..