Hòa Bình: Quy hoạch mỏ bị "treo", loạt dự án trọng điểm chậm tiến độ
Vướng giải phóng mặt bằng, thiếu đất đắp
Cụ thể, dự án đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 999 tỷ đồng, dài 7,61km.
Do không có nguồn đất đắp nên một số đoạn đã phải tạm dừng thi công; trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã tiến hành kiểm đếm nhưng chưa có giá đất để lập phương án dự toán, chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng.
Dự án đường kết nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ (TP. Hòa Bình) đến Quốc lộ 6 bị chậm tiến độ |
Bên cạnh đó, khu tái định cư đã được chính quyền huyện Lương Sơn bố trí nhưng hạ tầng chưa hoàn chỉnh, gây nhiều khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các hộ thuộc diện tái định cư.
Tương tự, tại dự án trọng điểm đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) có tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 26/2/2023, kế hoạch vốn được giao trên 1.000 tỷ đồng, hiện mới giải ngân được hơn 510 tỷ đồng.
Nguyên nhân chậm tiến độ của dự án kết nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ (TP. Hòa Bình) đến Quốc lộ 6 là do thiếu đất đắp |
Khó khăn lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án này là thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất lúa. Hiện phải chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên tiến độ thực hiện không đảm bảo kế hoạch đã đề ra.
Tại dự án đường kết nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ (TP. Hòa Bình), Quốc lộ 6 có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, dài 4,4 km, được khởi công tháng 3/2022, kỳ vọng khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, nhà thầu xây dựng đã phải tạm dừng thi công do thiếu đất đắp và còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Còn tại dự án nâng cấp Tỉnh lộ 436 từ xã Phong Phú đến xã Nhân Mỹ (huyện Tân Lạc), có tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng, được khởi công tháng 2/2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Nhưng các nhà thầu hiện đã tạm dừng thi công do thiếu đất đắp, dẫn tới dự án chậm tiến độ.
Dự án chậm tiến độ tạm dừng thi công do nguyên nhân thiếu đất đắp |
Quy hoạch 28 mỏ đất nhưng 16 tháng chưa mỏ nào được cấp phép
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn (đơn vị thi công đường kết nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ, TP. Hòa Bình) thông tin: “Hiện dự án đang phải tạm dừng thi công do không có đất đắp cũng như thiếu mặt bằng, toàn bộ máy móc đang để ở công trường nhưng thiếu việc làm”.
Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) |
Còn đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình cho biết, công tác giải phóng mặt bằng tại địa phận phường Phương Lâm (TP. Hòa Bình) đang gặp vướng mắc do công tác bố trí tái định cư triển khai chưa xong. Bên cạnh đó, trên địa bàn chưa có vị trí mỏ khai thác đất đắp được cấp phép, nên chưa có nguồn đất đắp để các nhà thầu thi công.
“Các dự án trên địa bàn bị chậm tiến độ do "nút thắt” lớn là vấn đề mặt bằng, đất đắp và các thủ tục liên quan. Do đó, doanh nghiệp có chung nguyện vọng mong cơ quan chức năng chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là tạo mặt bằng sạch và sớm có các dự án khai thác đất, kịp thời cung cấp nguồn đất đắp, góp phần bảo đảm tiến độ các dự án”, Đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình thông tin.
Khó khăn lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất lúa |
Được biết, ngày 4/5/2022, Kỳ họp thứ 6 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã xem xét và quyết định thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014 - 2019, tầm nhìn đến năm 2024 (bổ sung vào quy hoạch nhóm khoáng sản làm vật liệu san lấp).
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được quy hoạch 28 mỏ đất làm vật liệu xây dựng. Đây là vấn đề được các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn hết sức mong đợi. Tuy nhiên, đã hơn 16 tháng trôi qua nhưng tại các huyện, thành phố trong tỉnh chưa có mỏ đất nào được cấp phép.
Theo kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg, ngày 3/12/2022 là 10.090,9 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh Hòa Bình thông qua là 10.220 tỷ đồng. Đến ngày 6/9/2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án là 10.220 tỷ đồng. Đến hết tháng 9/2023, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 20% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp so với bình quân cả nước. |