‘Cứu tinh’ giao thông hay ‘ác mộng’ giải phóng mặt bằng?
Dự án “chật vật” giữa Thủ đô
Dự án đường vành đai 2,5 Hà Nội là tuyến giao thông đường bộ phụ trợ tuyến đường vành đai 2 và đường vành đai 3 của Hà Nội, dài khoảng 30km, đi qua các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Tuyến nằm hoàn toàn trong nội đô Hà Nội.
Tuy nhiên, dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A (phường Định Công, quận Hoàng Mai) hiện đang chậm tiến độ kéo dài, trở thành điểm tập kết rác và phế thải.
Những khó khăn chưa được giải quyết, tháo gỡ khiến con đường dở dang nhiều năm qua trở thành điểm tập kết phế thải, đổ rác, gây ô nhiễm nghiêm trọng khu vực Đầm Hồng, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.
Dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A được khởi công từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Ảnh: Thanh Tuấn |
Dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A với chiều dài 2,06km, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Công trình khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2017 nhưng đến nay bị chậm tiến độ. Đến năm 2020, dự án tạm ngưng khi mới đạt khoảng 40% khối lượng công việc. Nguyên nhân do thời gian thực hiện hợp đồng chưa được gia hạn, đồng thời báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh chưa được phê duyệt.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, sau hơn 10 năm kể từ ngày khởi công xây dựng đến nay dự án vẫn dang dở. Nhiều đoạn đường đã biến thành nơi đổ phế thải, bãi tập kết vật liệu xây dựng… nắng thì bụi, mưa thì lầy khiến người dân xung quanh vô cùng bức xúc.
Chia sẻ với phóng viên, người dân xung quanh dự án mong cơ quan chức năng sớm giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho công trình, để đoạn đường vành đai 2,5 từ Đầm Hồng - quốc lộ 1A sớm được hoàn thiện, góp phần giảm ùn tắc giao thông và nâng cao chất lượng sống cho người dân trên địa bàn.
Anh Chính (phường Định Công, Hà Nội) cho biết, dự án vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1) được UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng năm 2010. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau và việc vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng và pháp lý khiến dự án đã chậm tiến độ hơn 10 năm nay.
“Nhiều hộ dân phải đóng cửa cả ngày để tránh bụi từ công trường. Một số gia đình còn phải dùng bạt che chắn hoặc trồng cây trước nhà để giảm thiểu bụi. Thậm chí, có đoạn đường thi công dở dang trở thành nơi tập kết rác thải, gây mùi hôi thối và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân xung quanh đã nhiều lần phản ánh và tự tổ chức thu gom, nhưng tình trạng đổ trộm rác vẫn tái diễn”, anh Chính nói.
Theo anh Chính, việc thi công kéo dài khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt khi trời mưa, đường trở nên lầy lội, ngập nước.
Trong khi đó, anh Thắng (phường Định Công, Hà Nội) bày tỏ thất vọng về tiến độ thực hiện dự án: “Người dân đã chờ đợi dự án này từ lâu, nhưng tiến độ quá chậm khiến mọi người mất niềm tin vào khả năng hoàn thành dự án đúng thời hạn”.
Anh Thắng đề nghị cơ quan chức năng tăng cường giám sát chất lượng công trình, đảm bảo công trình được thi công đúng quy chuẩn và an toàn. “Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành dự án”, anh Thắng nói thêm.
Bao giờ người dân hết khổ?
Dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A là một dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ “cởi trói” cho khu vực phía Nam Hà Nội khỏi cảnh ùn tắc giao thông.
Tình trạng chậm trễ trong giải phóng mặt bằng không còn là chuyện hiếm gặp ở các dự án hạ tầng lớn. Tuy nhiên, với vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A không chỉ đơn thuần là sự chậm trễ, mà đang trở thành gánh nặng đè lên vai hàng nghìn hộ dân.
Hàng ngày, người dân phải đối mặt với cảnh tượng ngổn ngang của công trường dang dở, hứng chịu bụi bặm, tiếng ồn và sự bất tiện trong sinh hoạt. Những hộ kinh doanh dọc tuyến đường thậm chí còn phải chứng kiến cảnh buôn bán ế ẩm khiến thu nhập giảm sút nghiêm trọng.
Có thể thấy, giải phóng mặt bằng không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là bài toán về lòng tin. Khi người dân cảm thấy quyền lợi được đảm bảo, được lắng nghe và tôn trọng, họ sẽ sẵn sàng đồng thuận và ủng hộ dự án.
Để tháo gỡ “nút thắt” này, cần có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các cấp chính quyền. Cần rà soát lại các chính sách bồi thường, đảm bảo tính công bằng, minh bạch và phù hợp với thực tế. Cần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Cần tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân và giải quyết kịp thời các khiếu nại, thắc mắc.
Bên cạnh đó, sự chậm tiến độ của dự án không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân trong khu vực. Nhiều đoạn đường chưa hoàn thiện trở thành nơi tập kết rác thải, gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông.
Dự án vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A không chỉ là con đường, mà còn là biểu tượng cho sự phát triển của thành phố. Đã đến lúc cần có những giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đưa dự án vành đai 2,5 về đích đúng hẹn.
Một số hình ảnh phóng viên Báo Công Thương ghi nhận tại dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A:
Điểm đầu dự án tại Đầm Hồng (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Thanh Tuấn |
Điểm đầu dự án tại Đầm Hồng đang thi công dang dở. Ảnh: Thanh Tuấn |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, đến nay dự án vẫn "nằm im bất động", nhiều khu vực trở thành bãi rác tự phát hay thành nơi đổ phế liệu. Ảnh: Thanh Tuấn |
Nhiều bãi đất trống trong dự án bị đổ trộm rác gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thanh Tuấn |
Nhiều đống rác thải và phế thải lớn nhỏ nằm ngổn ngang trên đường. Ảnh: Thanh Tuấn |
Do vướng mắc chậm tiến độ nhiều năm, dự án đang là nơi tập kết rác tự phát của người dân. Ảnh: Thanh Tuấn |
Rác thải, vật liệu xây dựng được tập kết gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Thanh Tuấn |
Đoạn đường đã biến thành nơi đổ phế thải, bãi tập kết vật liệu xây dựng. Ảnh: Thanh Tuấn |
Những bãi đất trống trong dự án ngày càng nhiều rác. Ảnh: Thanh Tuấn |
Một đoạn đường được người dân gọi "nắng thì bụi, mưa thì lầy". Ảnh: Thanh Tuấn |
Đoạn ngõ 192 Lê Trọng Tấn hướng vào Đầm Hồng. Ảnh: Thanh Tuấn |
Đoạn đường hướng ra Giải Phóng một số hạng mục chưa hoàn thiện. Ảnh: Thanh Tuấn |
Bất chấp biển cấm đổ rác thải, phế liệu nhưng một số khu vực trên tuyến đường vẫn trở thành nơi tập kết rác thải... Ảnh: Thanh Tuấn |
Ô tô, xe máy dừng đỗ tràn lan trên tuyến. Ảnh: Thanh Tuấn |
Điểm cuối dự án hướng ra Giải Phóng vẫn chưa có dấu hiệu thi công. Ảnh: Thanh Tuấn |
Dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng đến Quốc Lộ 1A hướng ra đường Giải Phóng. Ảnh: Thanh Tuấn |
Ngày 24/2/2025, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 902/QĐ-UBND về việc ủy quyền ký phụ lục hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) dự án đầu tư xây dựng vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A) theo hình thức hợp đồng BT. Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ủy quyền (từ ngày ký đến hết quý I/2026) cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố ký hợp đồng BT dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A) theo hình thức hợp đồng BT theo nội dung đã được UBND thành phố chấp thuận. Đại diện Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà (nhà đầu tư) khẳng định, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, thiết bị và kinh phí để tiến hành các phần việc còn lại của dự án. Dự kiến trong tháng 3/2025, ngay sau khi ký phụ lục hợp đồng với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, công ty sẽ tiến hành ra quân triển khai thi công, bảo đảm thông tuyến đồng bộ với tiến độ dự án hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng. |