Hoà Bình: Phấn đấu 30% sản phẩm nông nghiệp được chế biến
Điểm sáng nông nghiệp Hoà Bình
Tỉnh miền núi Hòa Bình có tổng diện tích tự nhiên 460.869 ha; trong đó đất lâm nghiệp 332.813 ha, chiếm trên 72%; lao động nông - lâm nghiệp 391.500 người, chiếm trên 71% tổng số lao động. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản.
Chế biến giúp nâng cao chất lượng, đồng thời thúc đẩy thương mại cho nông sản |
Ðể tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU ngày 09/9/2021 về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và nhiều chính sách về hỗ trợ tiêu thụ nông sản, khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình, chính sách phát triển làng nghề truyền thống.
Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,5-5%/năm; tỷ lệ hàng hóa qua chế biến đạt 30%; cải tạo và nâng cấp 9 nhà máy chế biến nông, lâm sản quy mô vừa lên quy mô hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu về xu hướng xuất khẩu.
Với mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, giảm áp lực thời vụ, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản. Đến nay, toàn tỉnh thu hút được 55 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 5.663 tỷ đồng. Trong đó, có 39 dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, 13 dự án đầu tư trồng rừng và 3 dự án đầu tư trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đều là các dự án đầu tư trong nước. Tỉnh đang duy trì 1.000 cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản và 500 cơ sở chế biến nông sản, đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, hợp tác xã. Một số nông sản được các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết xuất khẩu, như: Chuối, thanh long, mía tím, nhãn, chè khô, măng, tinh bột sắn, gỗ.
Theo Trang thông tin điện tử tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp bình quân đạt 10,5%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 15%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến nông nghiệp chiếm 15,8%; Tập trung phát triển và thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực chủ yếu cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao. Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 749,9 triệu USD, tăng 25,59%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 635 triệu USD, tăng 29,52%
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đang nỗ lực phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp bình quân đạt 9%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 13%. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 60% trong cơ cấu kinh tế; Phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn theo chiều sâu các lĩnh vực chủ yếu cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao.
Nhìn chung, những năm vừa qua, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản được đưa vào phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu như sắn, chè, mía, chuối... mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản sang những thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, EU... Năm 2022, toàn tỉnh đã có 14 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức... (tăng 75% về số cơ sở so với năm 2021).
Các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, rau, củ, quả, măng, sắn, nông sản tươi (mía, chuối, nhãn, bưởi...) được xuất khẩu thành công ra thế giới với tổng giá trị hàng hóa ước đạt 518,65 tỷ đồng, tăng 103,92% so với năm 2021. Đến nay, toàn tỉnh có 147 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ.
Hiện, ngành nông nghiệp của tỉnh duy trì ổn định ở mức 36 nghìn ha lúa, 40 nghìn ha ngô, 11,5 nghìn ha rau đậu, 7.500-8.000 ha mía, hơn 9,5 nghìn ha cây ăn quả có múi. Tỉnh đang mở rộng diện tích trồng các loại cây có thế mạnh của từng địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh theo từng vùng, miền.
Đầu tư nhiều hơn cho công nghiệp chế biến
Tuy nhiên, nhìn chung, việc đầu tư các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện nay chưa phát triển, các sản phẩm từ nông nghiệp chủ yếu là xuất khẩu tươi phục vụ cho nhu cầu thị trường Hà Nội và xuất khẩu ra nước ngoài.
Hiện tại, Hoà Bình mới có 33 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản có quy mô vừa và nhỏ (Nhà máy MDF Kỳ Sơn, xí nghiệp chế biến lâm sản Sơn Thuỷ, nhà máy ván sàn Hoà Bình, Công ty TNHH Phú Đạt - Lương Sơn, Công ty cổ phần Lâm sản Hoà Bình, và các cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ do tư nhân bỏ vốn đầu tư...).
Kế hoạch phát triển giai đoạn năm 2023-2025, toàn tỉnh phấn đấu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm tiềm năng và sản phẩm lợi thế phục vụ công nghệ chế biến và xuất khẩu; nâng cao năng lực sơ chế, bảo quản sản phẩm; năng lực chế biến sâu, chế biến tinh nông sản chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức quảng bá và tiêu thụ sản phẩm chủ lực; coi trọng thị trường vùng Thủ đô; quan tâm phát triển các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu.
Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,5 - 5%; tỷ lệ nông sản hàng hóa qua sơ chế, chế biến đạt trên 30%…