Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm những giấy tờ gì?
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, bảo hiểm thất nghiệp là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là một công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, với mục tiêu hỗ trợ người lao động bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp.
Người lao động đăng ký nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: XC |
Đặc biệt, nếu người lao động gặp rủi ro về việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp có các biện pháp nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp, quan trọng hơn nữa là có các biện pháp để hỗ trợ người lao động tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới, đồng thời, người thất nghiệp còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định, người thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây: Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp; đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội; chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.
Theo đó, người lao động có thể tham khảo một số thông tin nếu có nhu cầu, quan tâm đến hưởng trợ cấp thất nghiệp sau:
Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo hướng dẫn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm: Bản chính sổ bảo hiểm xã hội (bắt buộc); Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định.
Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây để xác nhận về việc đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động.
Người lao động sau khi nghỉ việc có thể yêu cầu công ty cũ cấp cho các giấy tờ sau để phục vụ việc làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định gồm có:
Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc, Quyết định sa thải hoặc Quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Nộp hồ sơ trực tiếp và online
Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể nộp trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi người lao động đăng kí thường trú/tạm trú hoặc nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: dichvucong.gov.vn.
Bên cạnh đó, theo quy định, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hàng tháng nếu thuộc trường hợp ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.
Ngoài ra, người lao động phải thông tin cho Trung tâm Dịch vụ việc làm (thông qua điện thoại, thư điện tử, fax, ...) về lý do không phải trực tiếp đến thông báo và trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định.
Đồng thời, người lao động cần gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ nêu trên chứng minh thuộc trường hợp không phải thông báo trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề
Người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp có nhu cầu học nghề sẽ được Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở lao động Thương binh và Xã hội giới thiệu và hướng dẫn đăng ký.
Theo đó, căn cứ theo Điều 24 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cho người lao động gồm:
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang chờ kết quả giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu học nghề tại địa phương nơi đang chờ kết quả hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 28/2015/NĐ-CP.
Trong hồ sơ này, người lao động cần cung cấp quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, có thể là bản chính hoặc bản sao có chứng thực, hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu học nghề tại địa phương không phải nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định và quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người lao động không thuộc trường hợp đang chờ kết quả giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu học nghề tại địa phương không phải nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:
Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; Đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại khoản 1 điều này; Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ theo quy định.
Thủ tục giải quyết hỗ trợ học nghề
Hỗ trợ học nghề không chỉ là một phần của chính sách bảo hiểm thất nghiệp mà còn là một công cụ quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và sự linh hoạt của người lao động trên thị trường lao động.
Theo quy định, Trung tâm Dịch vụ việc làm chịu trách nhiệm đối với việc xem xét hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề của người lao động. Sau khi kiểm tra hồ sơ và xác nhận đủ điều kiện, trung tâm sẽ trao cho người lao động phiếu hẹn trả kết quả theo mẫu số 01, được ban hành kèm theo Nghị định 61/2020/NĐ-CP.
Trong khoảng thời gian 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ xác định các yếu tố quan trọng như nghề nghiệp cụ thể, thời gian và mức độ hỗ trợ học nghề, cũng như cơ sở đào tạo nghề. Tất cả những thông tin này sẽ được trình đến Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho người lao động.