Hiểu chỉ số tài chính, khám “sức khỏe” doanh nghiệp trong thời kỳ Covid-19
Chắt chiu cơ hội vượt qua thách thức
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội - cho biết, đại dịch Covid-19 đang diễn biến tương đối phức tạp, chủ doanh nghiệp đang rất vất vả trong việc vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, nhất là việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh tập trung “3 tại chỗ” ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp.
Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, tác động của đại dịch Covid-19 sẽ không tránh khỏi một làn sóng phá sản doanh nghiệp tại Việt Nam.Trong điều kiện môi trường kinh doanh khó khăn đó, việc đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp là công việc hết sức quan trọng và cần thiết hiện nay. Để từ đó, chủ doanh nghiệp biết được rằng hiện nay doanh nghiệp của chúng ta đang ở đâu, dòng tiền và nguồn vốn như thế nào, công nợ ra sao. Từ đó đưa ra các quyết định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Sản xuất quạt công nghiệp tại Công ty CP Tomeco An Khang (huyện Quốc Oai, Hà Nội) |
Tại hội thảo, các chuyên gia, quản lý và các doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận những thông tin, nội dung, phương pháp hữu ích cho doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp và chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt là nội dung về hiểu các chỉ số tài chính, khám sức khỏe doanh nghiệp trong thời kỳ Covid-19.
Th.S Đoàn Hữu Cảnh - Trưởng ngành Tài chính Ngân hàng Đại học Phương Đông, Giám đốc tài chính Công ty Cổ phần TGI - đã chia sẻ về 10 chỉ tiêu/tỷ số tài chính quan trọng đánh giá hoạt động tài chính doanh nghiệp, vượt qua khó khăn trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Cụ thể: Chỉ số doanh thu; chỉ số chi phí; chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế; chỉ số lợi nhuận biên gộp, chỉ số lợi nhuận biên; tỷ suất thu hồi vốn chủ sở hữu (ROE); tỷ số sinh lời cơ sở (BEP); tỷ số thanh toán hiện hành; lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh; vòng quay hàng tồn kho; quản trị vốn lưu động.
Theo ông Đoàn Hữu Cảnh, chỉ số tài chính quan trọng cần quan tâm đầu tiên là chỉ số doanh thu. Việc này liên quan đến câu chuyện quản trị của doanh nghiệp. Bởi lẽ, một doanh nghiệp có doanh thu thì đương nhiên sẽ phát sinh chi phí, còn lỗ hay lãi do 2 lý do: doanh thu của doanh nghiệp không thể bù đắp các khoản chi phí cố định (điểm hòa vốn) hoặc doanh nghiệp không quản trị được chi phí nên mặc dù có doanh thu, thậm chí dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu doanh nghiệp chỉ giảm 10-20% nhưng lợi nhuận doanh nghiệp vẫn âm hoặc có xu hướng giảm dần.
Bên cạnh đó là chỉ tiêu chi phí và chỉ tiêu về dòng tiền. Trong đó, chỉ tiêu dòng tiền cần phải được thể hiện trên các báo cáo được cập nhật hàng ngày. Chỉ tiêu dòng tiền cũng cần được doanh nghiệp xây dựng và quản trị nó không chỉ ở quá khứ mà còn trong cả tương lai. Bởi đây cũng là chỉ tiêu cảnh báo mức độ rủi ro nguy hiểm nhất cho doanh nghiệp.
Cũng theo ông Đoàn Hữu Cảnh, trong quản lý tài chính doanh nghiệp, 2 trụ cột chính để đánh giá sức khỏe doanh nghiệp gồm: Hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua các chỉ tiêu doanh thu, chi phí, lợi nhuận; khả năng thanh toán và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời cần phân biệt 2 cặp khái niệm: doanh thu và thu tiền; chi phí và chi tiền. “Dòng tiền và lợi nhuận khác nhau hoàn toàn. 1 doanh nghiệp lợi nhuận nhiều nhưng quản lý dòng tiền không tốt thì có thể “đột quỵ”. Trong khi đó, doanh nghiệp kiểm soát dòng tiền quá chặt chẽ thì không “hạnh phúc”. Do đó, việc kiểm soát dòng tiền và lợi nhuận tốt được ví như 1 cơ thể vừa khỏe và vừa giàu có”, ông Đoàn Hữu Cảnh chia sẻ.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh cho hay, đại dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn rất thành công. Nguyên nhân do họ kiểm soát được dòng tiền. Dòng tiền đối với một doanh nghiệp được ví như lượng máu chảy trong cơ thể mỗi con người. Khi doanh nghiệp kiểm soát được các “cục máu đông” với loại thuốc phù hợp- chính là áp dụng các chỉ số tài chính phù hợp, sử dụng nền tảng công nghệ số trên phần mềm quản trị tài chính sẽ giúp doanh nghiệp xác định được các yếu tố, kiểm soát được lợi nhuận, dòng tiền, duy trì sản xuất kinh doanh.
Nắm bắt cơ hội với phần mềm số
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường trong nước gặp nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động kinh doanh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam bị tác động tiêu cực vì Covid-19. Giãn cách xã hội khiến các công ty sụt giảm về năng suất, doanh số, khách hàng. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp phải liên tục nắm bắt các số liệu tài chính để đưa ra các quyết định chính xác, điều chỉnh kịp thời, vì mục tiêu “sống sót”.
Tại hội nghị, bà Đinh Thị Thúy - Tổng giám đốc Công ty CP MISA - cũng đã giới thiệu phần mềm quản trị kế toán MISA AMIS với các giảm pháp cung cấp chỉ tiêu/tỷ số tài chính kịp thời, chính xác cho chủ doanh nghiệp. Phần mềm này đáp ứng với mọi quy mô, lĩnh vực, ngành nghề.
Theo bà Đinh Thị Thúy, đây là hệ sinh thái kết nối, các nghiệp vụ trong nội bộ doanh nghiệp như hệ thống quản trị nhân sự, bán hàng; kết nối dữ liệu với các đối tác, ứng dụng quản trị bên ngoài (Tổng cục Thuế, ngân hàng, bảo hiểm xã hội… và các ứng dụng quản trị khác). Đồng thời, cung cấp nhanh các số liệu tổng quan, giúp các chủ doanh nghiệp nắm bắt được các chỉ tiêu tài chính như số dư tiền, doanh thu, chi phí, công nợ, tồn kho. Ngoài ra, còn có thể cung cấp số liệu chi tiết như doanh thu, chi phí, lợi nhuận theo khoản mục, sản phẩm, giúp doanh nghiệp theo dõi tình hình tăng trưởng giữa các tháng. Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch ngân sách….
Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh hiện nay của Chính phủ, các giải pháp mới hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trụ vững, vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, góp phần tăng trưởng kinh tế thì vấn đề chính là ở chính các doanh nghiệp.
Việc đánh giá sức khỏe của một doanh nghiệp là điều rất quan trọng và mục tiêu cuối cùng cũng là ra được những quyết định, chiến lược nhằm giúp doanh nghiệp phát triển tốt nhất. Đồng thời, giúp các chủ doanh nghiệp có thể ra được những quyết định đúng đắn trong kinh doanh cũng như tránh được những rủi ro không đáng có.
Ông Mạc Quốc Anh nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19, mọi thứ đều biến động. Do đó, việc áp dụng công nghệ số, phần mềm trên nền tảng số giúp doanh nghiệp xác định được điểm mạnh để duy trì, biết được điểm yếu để kiểm soát hoặc tìm cách loại bỏ. Hiểu rõ hơn về các yếu tố bên ngoài, các cơ hội và cách chuẩn bị cho các xu hướng trong tương lai. Biết được những rủi ro tiềm ẩn mà ngành kinh doanh phải đối mặt, cũng như tình hình tài chính của doanh nghiệp và các vấn đề về dòng tiền của doanh nghiệp…. Ngoài ra, việc việc áp dụng công nghệ số còn giúp doanh nghiệp duy trì khách hàng và nâng cấp kế hoạch bán hàng, marketing quản lý con người và văn hóa trong doanh nghiệp. “Việc áp dụng công nghệ, phần mềm trên nền tảng số trong hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh, quản trị nhân lực… sẽ giúp các doanh nghiệp kiểm soát, loại bỏ điểm yếu, rủi ro, nắm bắt cơ hội vượt qua thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).