Hé lộ thời gian FED có thể giảm lãi suất?
Theo ông Bostic, những tiến triển ngoài kỳ vọng trong việc kiểm soát lạm phát khiến ông thay đổi dự báo về lần cắt giảm đầu tiên sẽ là vào quý III, thay vì quý IV. Nếu các số liệu tiếp tục cho thấy sự cải thiện, ông Bostic có thể ủng hộ việc bình thường hóa chính sách tiền tệ trước quý III năm nay.
“Nếu chúng ta tiếp tục chứng kiến những diễn biến tiêu cực bất ngờ trong thời gian tới, tôi có thể sẵn sàng ủng hộ việc bình thường hoá chính sách tiền tệ sớm hơn quý 3. Tuy vậy, bằng chứng cần phải thuyết phục”, Chủ tịch FED tại Atlanta nhấn mạnh.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ |
Bên cạnh đó, ông Bostic hy vọng thước đo lạm phát ưa thích của FED - chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - sẽ giảm xuống 2,4% trong năm nay, dù vẫn cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, với những dự báo vẫn còn nhiều điều không chắc chắn. Chỉ số PCE đã đạt 2,6% trong tháng 11/2023.
Theo ông Bostic, một số yếu tố có thể làm thay đổi tính toán của các quan chức FED gồm xung đột địa chính trị ở Trung Đông, cuộc chiến ngân sách đang diễn ra ở thủ đô Washington và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Do vậy, tôi ủng hộ chiến lược thận trọng và cảnh giác cao mà FED đưa ra.
“Trong môi trường khó lường hiện nay, việc quá kỳ vọng điều chỉnh chính sách quá mạnh tay là không khôn ngoan. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng chúng ta nên tiếp tục quan sát trước khi bắt đầu quá trình bình thường hoá chính sách”, ông Bostic nói.
Theo báo cáo của FED về tình hình nền kinh tế công bố ngày 17/1, các doanh nghiệp Mỹ lạc quan về triển vọng hạ lãi suất. Lãi suất hạ sẽ làm giảm chi phí đi vay của doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy nhu cầu.
Trước đó, các quan chức FED thận trọng hơn về việc sớm giảm lãi suất, khi cho rằng còn cần thêm những nỗ lực để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Các nhà hoạch định chính sách của FED thời gian vừa qua đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục 22 năm và dự kiến có đến 3 lần hạ lãi suất trong năm 2024, bước sang một giai đoạn mới trong nỗ lực chống lạm phát.